Ca sỹ Phương Thanh - TP Hồ Chí Minh:
“Yêu Hà Tĩnh từ một khúc tâm tình”
Phương Thanh sinh ra ở Thanh Hóa nhưng lại lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Bố mẹ Phương Thanh từng là diễn viên của đoàn văn công quân đội nên từ nhỏ, Phương Thanh thường được nghe bố mẹ và các cô chú trong đoàn hát những bài hát về Hà Tĩnh. Trong đó, bài hát mà Phương Thanh hay được nghe nhất là “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.
Phương Thanh rất yêu thích và thường hát bài hát này trong những buổi diễn văn nghệ của trường. Lúc đó, Thanh chưa đến Hà Tĩnh nhưng những giai điệu lời ca cất lên khiến Thanh có cảm giác đó là một vùng quê rất đẹp và con người đầy thương mến.
Ca sỹ Phương Thanh trong chuyến về thăm Hà Tĩnh dịp tháng 3/2021
Sau này khi lớn lên, Phương Thanh mới biết được Hà Tĩnh là một vùng quê cách mạng, có những địa chỉ đỏ nổi tiếng như Ngã ba Đồng Lộc, có những thắng cảnh như núi Hồng Lĩnh, biển Thiên Cầm…
Đặc biệt, gần đây, trong chuyến về Hà Tĩnh cùng đoàn phim “Kiều” tham dự buổi ra mắt bộ phim, cùng giao lưu với các bạn sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh, đi tham quan Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và một số địa chỉ khác, như: đền thờ Vua Mai Hắc Đế (Lộc Hà), Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc)…, Phương Thanh mới hiểu hết ý nghĩa của bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tịnh (Tĩnh)/ Nhớ núi Hồng Lịnh (Lĩnh), nhớ dòng sông La/ Nhớ biển rộng quê ta/ Những cánh đồng muối trắng…”. Phương Thanh mong một lúc nào đó, khi hết dịch COVID-19, cuộc sống bình thường trở lại, sẽ có cơ hội hát cho khán giả Hà Tĩnh thân yêu nghe trên chính quê hương này.
Anh Phan Trọng Thỉnh - kỹ sư ở thành phố Osaka (Nhật Bản):
Tự hào khi hát những ca khúc Hà Tĩnh trước bạn bè thế giới
Tôi sinh ra ở Lộc Hà, rời xa quê hương ra nước ngoài học tập và làm việc đến nay đã gần 9 năm. Hiện, tôi đang làm quản lý nhân sự cho một tập đoàn chuyên về mảng sản xuất thực phẩm ở thành phố Osaka, Nhật Bản. Dù công việc rất bận rộn nhưng cảm giác nhớ gia đình, nhớ quê hương lúc nào cũng âm ỉ trong lòng tôi.
Hằng ngày, sau khi kết thúc công việc về nhà, tôi thường mở các bài hát quen thuộc như: “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Hà Tĩnh mình thương”, “Mời anh về Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” hay “Xuân mới Lộc Hà”… Thả hồn trong cảm xúc về quê hương và ngắm lại những bức ảnh về cảnh sắc, con người Hà Tĩnh, lòng tôi tràn đầy ấm áp, nguôi ngoai nỗi nhớ.
Anh Phan Trọng Thỉnh quê ở Lộc Hà, hiện đang công tác tại TP Osaka (Nhật Bản). Ảnh: NVCC
Tôi thường kể với đồng nghiệp Nhật Bản về văn hóa và con người nơi tôi sinh ra. Rất nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ khi biết trên bản đồ Việt Nam có một vùng quê nghèo nhưng ấm áp tình làng - nghĩa xóm, người dân có những phong tục văn hóa độc đáo, nhân văn. Đặc biệt, những lúc có dịp giao lưu văn nghệ, tôi cảm thấy rất tự hào khi thể hiện những bài hát về Hà Tĩnh cho bạn bè, đồng nghiệp cùng nghe. Dù không hiểu nhiều về nội dung nhưng bạn bè người Nhật của tôi bày tỏ thích thú giai điệu âm hưởng dân ca ví, giặm trong từng câu hát.
Hiện nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quê hương chúng ta cũng như cả nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách lớn, nhưng bằng ý chí của con người Hà Tĩnh, tôi luôn tin tưởng rằng, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Trong niềm tin sâu sắc đó, tôi vẫn luôn ấp ủ ước mơ, một ngày sẽ trở về quê hương để được cống hiến.
Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch CLB Ươm mầm đọc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội):
“Với Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ…”
Tôi sinh ra và lớn lên ở TP Hà Tĩnh nhưng lập nghiệp và sinh sống tại Hà Nội. Những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đường về quê mẹ trở nên xa ngái hơn bao giờ hết. Giai điệu thân thuộc của bài hát “Hà Tĩnh mình thương” như một cơn mưa mát dịu giữa trưa hè, ru vỗ nỗi nhớ quê hương trong tôi.
Hà Tĩnh, mảnh đất miền Trung nơi tôi đã lớn lên, nắng gió rát bỏng mà chan chứa tình người: “Với Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ/ Khi tôi ấu thơ, gió bụi cát bay/ Lẫn trong sữa sơm, mẹ nuôi tôi lớn…”. Bài hát không chỉ đã đi theo tôi trong suốt những năm tháng xa quê như một lời nhắc nhở, như một niềm thương, mà ngay lúc này khiến tôi như được trở về quê nhà yêu dấu.
Chị Nguyễn Thị Hiền quê ở TP Hà Tĩnh, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Ảnh: NVCC
Tôi nhớ Hà Tĩnh, nhớ người thân trong gia đình, nhớ miếng cu-đơ ngọt khay quyện vị chát của nước chè, nhớ bức ảnh về sân trường chuyên, ngõ nhỏ, phố nhỏ của thị xã ngày nào. Tôi mơ về Thiên Cầm ngày hè gió lộng; núi Hồng, sông La buổi sớm mai nắng lên hay trôi miên man cùng câu hát bên hồ Kẻ Gỗ; nhớ khói lam chiều trên đỉnh Đèo Ngang. Tôi tưởng tượng hạt lúa của những cánh đồng vàng vừa gặt như còn thơm hương trên đôi bàn tay những người nông dân quê mình chịu thương, chịu khó.
Nhắm mắt lại, những giai điệu gần gũi, câu hò, điệu ví ấy đưa tôi trở về quê hương yêu dấu trên chiếc flycam lướt qua những rặng núi, làng quê, con sông, cánh đồng và cả góc phố… Để rồi, tôi và mỗi người “Đi xa càng muốn về/ khổ đau càng muốn về/ để tình mẹ ấp iu/ ôi thương biết bao nhiêu/ Hà Tĩnh mình ơi…”.
Anh Biện Quyền - Bí thư Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh:
"Những lời ca thôi thúc tôi trở về"
Thời sinh viên đã không biết bao nhiêu lần tôi hát những bài hát quê hương mình cho các bạn trong lớp, trong trường nghe. Tôi cũng đã nói với họ về vẻ đẹp của nơi mình “chôn rau, cắt rốn”. Trong số đó, rất nhiều người nghe tôi kể, tôi hát… đều bày tỏ mong muốn được một lần đến thăm Hà Tĩnh.
Năm 2009, sau khi hoàn thành chương trình thạc sỹ ngành động vật học tại Trường Đại học Huế, cùng với nhiều giải thưởng khoa học cấp bộ trước đó, tôi được mời ở lại trường giảng dạy. Tuy nhiên, thông tin Hà Tĩnh đang có chính sách thu hút nhân tài về tỉnh phục vụ khiến tôi suy nghĩ.
Anh Biện Quyền - Bí thư Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh
Như một cơ duyên, giữa lúc đang băn khoăn, trong một buổi chiều dạo phố, tôi bất chợt nghe giọng hát của ca sỹ Tố Nga vang lên: “Mời anh về Hà Tịnh (Tĩnh)/ đi dọc đường cái quan/ vào tận Đèo Ngang/ rồi vòng lên Chu Lễ…”. Dẫu nghe bài hát nhiều lần nhưng lúc đó, tôi dừng lại và cảm thấy lòng mình rưng rưng, băn khoăn của tôi ở hay về đã được giải tỏa. Sau khi trở về theo diện thu hút nhân tài của tỉnh, tôi được bố trí giảng dạy và phụ trách công tác đoàn tại Trường Đại học Hà Tĩnh.
Có thể nói, với âm hưởng dân ca Xứ Nghệ, với những ca từ mộc mạc, chân thành, dễ hiểu, mỗi ca khúc hát về Hà Tĩnh đã vượt qua giá trị giải trí thông thường của một tác phẩm âm nhạc để trở thành lời động viên khích lệ mỗi người trước những khó khăn, vượt qua hoạn nạn, vươn lên trong cuộc sống. Hơn thế, những giai điệu đẹp đẽ ấy còn bồi đắp thêm tình yêu quê hương, yêu đất nước của mỗi con người Hà Tĩnh dù ở bất cứ nơi đâu.