Nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Như Liên (SN 1958) ở thôn Yên Khánh sống chủ yếu dựa vào mảnh vườn 1.800 m2. Nhà ông Liên trồng rau bán quanh năm, những mùa thuận lợi, vườn rau vụ đông của gia đình ông thu về 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Như Liên chăm sóc cây ăn quả trong vườn.
Năm nay, mưa lũ kéo dài khiến diện tích hoa màu của gia đình ông bị hư hại hoàn toàn. Ông Liên chia sẻ: "Vườn rau cho thu nhập quanh năm nhưng dễ bán và được giá nhất vẫn là vụ đông. Thế nên, sau lũ, tranh thủ thời tiết nắng ráo, chúng tôi phải huy động nhân lực tập trung khôi phục sản xuất để kịp xuất bán”.
Hiện tại, các thành viên trong gia đình ông Liên đang tích cực dọn dẹp vườn tược, làm đất, gieo trỉa lại các loại rau ngắn ngày như cải, mồng tơi... Dù phải bắt tay làm lại từ đầu nhưng với kinh nghiệm trồng rau lâu năm, gia đình ông Liên không quá chật vật với công việc này.
“Vất vả hơn vì phải dọn lại vườn, làm lại luống nhưng không sao, những loại cây này phát triển nhanh, ít hôm lại xanh mơn mởn” - ông Liên vui vẻ chia sẻ.
Khu dân cư mẫu Yên Khánh đang được vực dậy sau lũ.
Không riêng gia đình ông Liên mà tất cả 165 vườn hộ ở thôn Yên Khánh bị ngập sâu, hư hại trong đợt mưa lũ vừa qua cũng đang tất bật chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Cách đây hơn 1 tháng, vườn rau rộng 500 m2 với nhiều giống rau chủ lực như: đậu cô ve, rau cải, rau mùi của gia đình chị Trần Thị Trang (SN 1987) đang cho thu hoạch thì bị nước lũ ngâm ngập. Sau khi nước rút, toàn bộ vườn rau đã bị hư hỏng. Tranh thủ nắng ấm, gia đình chị Trang cũng tập trung khôi phục các luống rau như: cải, hẹ, mồng tơi, mướp trái vụ và một số loại rau thơm khác để kịp vụ tết.
Chị Nguyễn Thị Trang khẩn trương khôi phục các luống rau để kịp cho vụ rau tết.
Cùng với đó, bà con cũng triển khai các biện pháp để bảo vệ rau như nạo vét mương, bảo dưỡng máy móc phun tưới, sửa lại hệ thống vòi phun và giàn leo, độn đất nâng vườn, xây lại bờ rào...
“Khi cơn lũ mới đi qua, nhìn vườn tược, xóm làng tan hoang, chúng tôi tự hỏi không biết bắt đầu từ đâu để khôi phục sản xuất. Nhưng rồi, mọi người động viên nhau, cả thôn thi nhau lao động nên không khí làm việc lúc nào cũng nhộn nhịp, khẩn trương. Thời tiết đang thuận lợi nên ai cũng thấy vui và mong chờ một vụ thu hoạch mới” - chị Trang chia sẻ.
Song song với việc khôi phục vườn hộ, người dân thôn Yên Khánh cũng tập trung chỉnh trang các tuyến đường xanh, cơ sở hạ tầng… để “giữ chuẩn” khu dân cư NTM kiểu mẫu sau lũ.
Người dân thôn Yên Khánh chỉnh trang các tuyến đường xanh.
Ông Nguyễn Văn Nam (SN 1960) cho hay: “Ngay sau khi nước lũ rút, không đợi chính quyền phải huy động, người dân trong thôn đã khẩn trương ra quân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang các tuyến đường…”.
Cũng như ông Nam, hầu hết người dân thôn Yên Khánh đều hiểu rõ ý nghĩa của việc “giữ chuẩn”, bởi đó không chỉ đơn thuần là giữ vững một danh hiệu mà còn là giữ gìn công sức của chính quyền, người dân bao năm nay.
Sau gần 3 tuần, người dân trong thôn đã làm đẹp được 4 tuyến đường, trồng thêm 3 tuyến hàng rào xanh… đảm bảo các tiêu chuẩn của khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Nhiều khu vườn mẫu trong thôn mướt xanh sau những đợt mưa lũ kéo dài.
Ông Trần Văn Lô - Trưởng thôn Yên Khánh cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo bà con nhân dân tiếp tục khôi phục sản xuất, tranh thủ thời tiết thuận lợi để làm đất, sau đó gieo trỉa các loại cây ngắn ngày; đồng thời, huy động người dân chỉnh trang khu dân cư, công trình công cộng bị hư hại sau lũ. Mọi người động viên nhau, tích cực vào cuộc nên hậu quả lũ lụt cũng nhanh chóng được khắc phục”.
Cơn lũ đi qua để lại bao ngổn ngang, nhưng bằng sự đồng sức đồng lòng, người dân đã cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Từng thuở ruộng mướt màu xanh của rau màu, cây trái; từng tuyến đường sạch sẽ, quang đãng – thôn Yên Khánh đã dần trở lại nét thanh bình vốn có. Đó không chỉ là cơ sở để củng cố danh hiệu trong xây dựng nông thôn mới mà còn là nguồn động lực, thể hiện ý chí kiên cường, không khuất phục trước khó khăn của người dân vùng lũ Hà Tĩnh.