Xoáy sâu nỗi đau vũ khí Mỹ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây tuyên bố mạng lưới phòng không của Mỹ đã thất bại trong việc đẩy lùi một cuộc tấn công của máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia, như bằng chứng cho thấy các hành động của Washington ở Trung Đông đang sụp đổ ở tất cả các phương diện.
Bà Zakharova nói: “Phần lớn những gì Mỹ đang làm trong khu vực này dường như không còn là chính trị nữa, mà là sự sụp đổ hoàn toàn... ở tất cả phương diện. Cách đây 2 năm, các tên lửa của Mỹ đã không bắn trúng mục tiêu, còn giờ đây các hệ thống phòng không của họ đã không đẩy lùi được một vụ tấn công. Tất cả những điều này đều liên quan".
Tên lửa phòng không Patriot của Mỹ bất lực trong vụ các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công |
Một nguồn tin cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/9 cho rằng sở dĩ các hệ thống phòng không của Mỹ không thể đẩy lùi một cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ là vì hiệu quả thấp của các hệ thống tên lửa phòng không.
Trước đó, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tận dụng tình hình để quảng bá vũ khí Nga. Điều này không khác gì một đòn đánh nhằm hạ uy tín của vũ khí Mỹ tại một trong những điểm nóng bậc nhất thế giới. Phát biểu trước báo giới nhân tham dự hội nghị thượng đỉnh 3 bên cùng với những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, ông Putin đề nghị Saudi Arabia mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400.
Lời đề nghị này đáng được chú ý sau khi 6 tiểu đoàn hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ không thể phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào cơ sở lọc dầu chủ chốt của Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu của Saudi Arabia bị giảm một nửa.
Ông Putin nói: “Để tự vệ, để bảo vệ một quốc gia, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Saudi Arabia và giới lãnh đạo Saudi Arabia. Điều đó là đủ để chính phủ đưa ra một quyết định khôn ngoan. Những vũ khí này sẽ bảo vệ bất kỳ mục tiêu cơ sở hạ tầng nào ở Saudi Arabia một cách hiệu quả”.
Không thể che giấu sự lúng túng, Tổng thống Donald Trump nhắc lại cam kết lâu dài của Mỹ trong việc bảo vệ Saudi Arabia sau các cuộc tấn công. Ông Trump đã nhấn mạnh thực tế là các cuộc tấn công này là nhằm chống lại Saudi Arabia chứ không phải chống lại Mỹ và rằng chính quyền của ông sẽ ủng hộ một phản ứng đáp trả của Saudi Arabia.
Tổng thống Trump (phải) trong một lần “khoe” danh sách một số vũ khí Mỹ bán cho Saudi Arabia |
Trợ lý lãnh đạo Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết Mỹ đang “nghiêm túc nghiên cứu” hoạt động của các hệ thống phòng không Saudi Arabia liên quan đến các vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của nước này vào cuối tuần qua.
Hôm 18/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng tất cả các hệ thống phòng không như vậy trên thế giới, bao gồm cả Patriot của Mỹ, đang hoạt động với “các mức độ thành công khác nhau”.
Đòn chia rẽ hiệu quả
Tuyên bố của ông Trump có vẻ không phù hợp với thực tế khi một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ bị tấn công còn vũ khí Mỹ lại tỏ ra “vô hại” và các lực lượng Mỹ vẫn “án binh bất động”.
Phát biểu trên của ông chủ Nhà Trắng giống như thuật đàm phán mà ông vẫn áp dụng trong lĩnh vực thương mại, ít nhất là để câu giờ cho những toan tính tiếp theo. Tuy nhiên, ngay cả các đồng minh của Mỹ trong khu vực dường như cũng không còn tin vào lời nói từ Washington.
Chuyên gia Abdulkhaleq Abdulla của Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nói thẳng:
“Ông Trump, trong các phản ứng với Iran, thậm chí còn tồi tệ hơn ông Obama. Sự trì trệ của ông ấy đã bật đèn xanh cho điều này. Bây giờ, một đối tác chiến lược ở vùng Vịnh đã bị Iran tấn công ồ ạt - điều được ông Trump kích động chứ không phải chúng tôi - và chúng tôi nghe người Mỹ nói với chúng tôi rằng các bạn cần phải tự bảo vệ mình! Đó là một sự thất bại và thất vọng hoàn toàn”.
Các hệ thống phòng không của Nga sẽ “lên ngôi” sau vụ đột kích dầu mỏ? |
Theo các nguồn tin quốc tế, sau khi các cơ sở dầu mỏ bị tấn công, Saudi Arabia bắt đầu tiếp cận các quốc gia khác để tìm kiếm hỗ trợ tăng cường năng lực phòng không. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã yêu cầu Hàn Quốc hỗ trợ họ trong việc củng cố hệ thống phòng không của vương quốc.
Về phần mình, Nga đưa ra một đề xuất liên quan đến một khái niệm an ninh tập thể sẽ thay thế chiếc ô phòng phủ của Mỹ ở vùng Vịnh và coi Nga như một nhà môi giới quyền lực cùng với Mỹ.
Đề xuất này đòi hỏi việc tạo ra một “liên minh chống khủng bố của tất cả các bên liên quan”, vốn sẽ là động cơ để giải quyết các cuộc xung đột trên toàn khu vực và thúc đẩy sự đảm bảo an ninh lẫn nhau.
Đề xuất cũng sẽ liên quan đến việc loại bỏ việc “triển khai quân thường trực của các quốc gia ngoài khu vực ở các quốc gia vùng Vịnh”, ám chỉ các lực lượng và căn cứ của Mỹ, Anh, và Pháp.
Liên minh, bao gồm các quốc gia vùng Vịnh, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ cũng như các bên liên quan khác, có khả năng bao gồm cả Iran, sẽ được đưa ra tại một hội nghị quốc tế về an ninh và hợp tác ở vùng Vịnh.
Để thúc đẩy lợi ích tiềm năng của mình, Rosoboronexport - nhà xuất khẩu vũ khí và các sản phẩm lưỡng dụng chính của Nga – thông báo sẽ trưng bày hệ thống phòng thủ mới nhất chống lại máy bay không người lái và các vũ khí tấn công khác tại triển lãm phòng không Dubai vào tháng 11 tới.
Hệ thống S-400 của Nga trong một lần khai hỏa |
Ông Alexey Khlebnikov - chuyên gia về Trung Đông của Nga - nói: “Rõ ràng, các cuộc tấn công gần đây vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã làm thay đổi nhiều tính toán an ninh trên toàn khu vực”.
Để tăng thêm “sức nặng” cho vũ khí Nga, Moscow mới đây đã quyết định triển khai tên lửa S-400 tại quần đảo Novaya Zemlya, tăng cường khả năng phòng thủ cho căn cứ không quân tại Bắc Cực. Trong vùng Bắc Cực, Moskva đã triển khai tên lửa tầm xa tại Mourmansk, Arkhangelsk ở phía Tây Bắc, sát với biên giới Phần Lan và Na Uy, cũng như là tại Sakha ở phía Đông của nước Nga.
Giải thích về việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại quần đảo Novaya Zemlya, Bộ Quốc phòng Nga nói:
“Hệ thống phòng thủ S-400 sẽ cho phép tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát không phận tại Bắc Cực”. Giới phân tích phương Tây cho rằng, đây là bước đi để Nga củng cố thêm khu vực “Chống tiếp cận/Chống xâm nhập” tại một vùng chiến lược.
Đây là “mô hình mẫu” mà ngay cả một đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia cũng đang thèm khát trước nguy cơ tiếp tục hứng chịu các đòn tấn công không thể chống đỡ. Theo trang phân tích Á-Âu, những nỗ lực của Nga nhằm tận dụng những căng thẳng đang gia tăng vừa mang tính cơ hội vừa mang tính chiến lược.