Hồi cuối năm 12/2019, phương tiện truyền thông đã trích dẫn báo cáo từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf đã được thử nghiệm ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Đáng chú ý là theo trang gazeta, bài kiểm tra mà Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng cho hệ thống S-400 Triumf của mình có tính chất và các yêu cầu thậm chí còn khó khăn hơn cả bài kiểm tra của Nga.
Cụ thể trong cuộc thử nghiệm, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng 2 tiêm kích F-16, 1 tiêm kích F-4 và 1 trực thăng bay liên tục trong 8 giờ, chúng được tiếp nhiên liệu trên không và tiếp cận hệ thống S-400 từ nhiều hướng.
Các máy bay đã cơ động ở các dải tốc độ và độ cao khác nhau, thậm chí phương tiện tiếp cận đã có lúc đưa tốc độ về bằng không nhưng radar của S-400 vẫn phát hiện và kết thúc bằng việc phóng tên lửa giả định (tín hiệu điện tử) tiêu diệt mục tiêu.
Bên cạnh việc kiểm tra tính năng tác chiến giả định của tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf thì hệ thống nhận diện địch - ta (IFF) cũng được tích hợp một cách hoàn hảo vào hệ thống kiểm soát không phận quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ có vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sau đó còn cung cấp màn hình radar cảnh giới của tổ hợp S-400 và cho thấy con số đáng kinh ngạc, khi tiêm kích F-16 bị phát hiện.
Phạm vi nhận biết F-16 không phải là 200 km như phía Mỹ tuyên bố và cũng không phải là 350 km như các chuyên gia dự tính, con số này thực tế lên tới 600 km, tiến sát tới giới hạn khu vực phủ sóng radar của hệ thống phòng không này.
Ngoài ra từ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống phòng không S-400 Triumf đã có thể bắt được tín hiệu máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ bay trên biên giới Syria - Iraq vào ngày 17 tháng 12 năm 2019.
Theo một số nguồn tin, tiêm kích F-35 của Mỹ đã bay ở khoảng cách 450 - 550 km từ vị trí triển khai hệ thống phòng không S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ và đây là nỗ lực đầu tiên được phía Ankara công bố về việc radar của S-400 nhận biết được chiến đấu cơ thế hệ năm.
Các thông số trên cho thấy năng lực của đài radar cảnh giới của S-400 thật đáng nể, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng con số mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chỉ là khi mục tiêu hoạt động ở chế độ lý tưởng với radar của S-400 mà thôi.
Điều kiện lý tưởng ở đây là mục tiêu hoạt động ở độ cao lớn, không có nhiễu địa hình địa vật, còn trong điều kiện tác chiến thực tế khi máy bay bay thấp, bám địa hình sẽ rất khác, điều này cũng vừa được Ankara chính thức xác nhận.
Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng cách phát hiện tiêm kích F-16 từ cự ly 600 km chỉ là khi máy bay hoạt động ở độ cao xấp xỉ 20 km, F-16 chỉ cần hạ xuống độ cao 5 km thôi là mọi việc sẽ khác hẳn.
Cụ thể, nếu mục tiêu ở độ cao 5 km, hiệu suất phát hiện của radar S-400 sẽ giảm 30 - 40%, trong khi thực tế tiến hành các cuộc tập kích đường không thì máy bay còn hạ thấp hơn.
Khi mục tiêu nằm ở độ cao 1 km, phạm vi phát hiện và tiêu diệt hiệu quả của S-400 chỉ là 70 - 180 km (tùy thuộc vào địa hình), và khi mục tiêu nằm ở độ cao dưới 1 km, chúng ta đang nói về thất bại khi S-400 chỉ nhận biết được ở vài chục km
Cho đến nay, người ta tin rằng tùy thuộc vào độ cao, tầm bắn hiệu quả của S-400 sẽ có sự thay đổi rất khác nhau, điều đó yêu cầu phải có sự bổ sung radar bắt thấp chuyên dụng.
Nhưng trên hết, bất kỳ hệ thống tên lửa phòng không nào cũng chẳng thể vượt qua được giới hạn của đường chân trời vô tuyến điện từ với bề mặt cong của vỏ trái đất.
Chính vì vậy trong các cuộc tập kích đường không, bên tấn công bao giờ cũng nắm trong tay phần lợi thế hơn hẳn so với phía phòng thủ vì họ có thể chủ động xây dựng phương án tác chiến nhằm vô hiệu hóa các tổ hợp tên lửa của đối phương.