Cơ chế ổn định chiến lược toàn cầu đang trên bờ vực sụp đổ, do chính sách của các quốc gia phương Tây có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mất kiểm soát.
“Cơ chế toàn cầu về ổn định chiến lược, được tạo ra từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của thế hệ đi trước, đang trên bờ vực tan rã bởi mâu thuẫn và chính sách khiêu khích của các quốc gia phương Tây”, ông Patrushev nói và nhấn mạnh rằng, chính sách này có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev. |
Theo ông Patrushev, cấu trúc quan hệ quốc tế đang trải qua thay đổi và quá trình hình thành trật tự thế giới mới đang trong tiến trình không ổn định.
"Chúng tôi muốn đề cập tới nỗ lực nhằm thay thế luật quốc tế dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và mối quan hệ liên bang với cái gọi là trật tự dựa trên quy định. Cùng thời điểm, người Mỹ và các đồng minh lại cố gắng kết hợp những quy định và điều kiện với lợi ích địa chiến lược riêng của họ.
Điều này dẫn đến việc làm lu mờ các quy phạm, nguyên tắc được ghi nhận trên toàn cầu, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ Chiến tranh Lạnh quay trở lại với sự chia rẽ giữa đối tượng trong cuộc và ngoài cuộc", ông Patrushev phân tích.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga kết luận, những công cụ phổ biến được sử dụng trong quá trình này như trừng phạt kinh tế đơn phương đã được áp dụng. Ngoài ra còn có tình trạng can thiệp vào vấn đề nội bộ của một số quốc gia, ngay cả việc dựng lên các vụ đảo chính.
Nga sẽ đáp trả tương xứng
Hồi đầu tháng 8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã làm phức tạp nghiêm trọng tình hình thế giới và tạo ra những nguy cơ cơ bản đối với mọi quốc gia.
“Nga lấy làm tiếc khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung với những lý do xa vời. Việc hủy hoại một trong những văn kiện cơ bản trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí này đã khiến tình hình thế giới trở nên cực kỳ phức tạp và tạo ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với tất cả mọi người”, Tổng thống Nga nói.
Ông Putin cũng nhấn mạnh, thay vì tham gia các cuộc thảo luận có ý nghĩa về các vấn đề an ninh quốc tế, Mỹ lại lựa chọn làm suy yếu các nỗ lực từ nhiều năm qua trong việc giảm thiểu khả năng xảy ra các cuộc xung đột quy mô lớn, bao gồm việc sử dụng các vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng, Mỹ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với những gì sẽ xảy ra.
Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng, lẽ phải sẽ vẫn thắng thế, Mỹ và các đồng minh của họ sẽ phải có ý thức trách nhiệm đối với người dân của họ và toàn thể cộng đồng quốc tế.
Theo ông Putin, các hành động của Mỹ khiến INF bị phá hủy sẽ làm giảm giá trị và phá vỡ nền tảng của kiến trúc an ninh toàn cầu, bao gồm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược và Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều này báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Tổng thống Nga Putin |
“Để tránh tạo ra sự hỗn loạn không có quy tắc, hạn chế hay luật pháp, chúng ta cần cân nhắc tất cả những hậu quả nguy hiểm và khởi động các cuộc đối thoại nghiêm túc và có ý nghĩa”, Tổng thống Putin lưu ý.
Theo ông, cần phải khôi phục ngay lập tức các cuộc đàm phán có ý nghĩa về việc bảo đảm an ninh và sự ổn định chiến lược và Nga sẵn sàng tham gia những nỗ lực này.
Tổng thống Nga cho biết, đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan An ninh nước ngoài giám sát kỹ lưỡng các bước đi sắp tới của Mỹ trong việc phát triển, sản xuất và triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Nếu Nga phát hiện những thông tin đáng tin cậy rằng Mỹ đã hoàn tất việc phát triển những hệ thống tên lửa này và bắt đầu sản xuất chúng, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành các nỗ lực toàn diện để phát triển các tên lửa tương tự.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Nga sẽ duy trì các cam kết đơn phương và sẽ chỉ hành động khi bị buộc phải đáp trả. Cam kết này được áp dụng cho việc phát triển, sản xuất và triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ đất liền.
Nga sẽ không triển khai các tên lửa này ở bất cứ khu vực nào cho tới khi Mỹ triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tương tự.