Từ cuối tháng 2 đến nay, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh ghi nhận 2 bệnh nhân mắc sốt rét. Qua điều tra dịch tễ, cả 2 bệnh nhân đều từ Angola về.
Bệnh nhân L. B. L .- thôn 3, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh cho biết: “Tôi là lao động từ Angola về. Cách đây 1 tuần, tôi bị rét run kèm theo sốt cao, sau đó vã mồ hôi. Do trước đó tôi đã bị sốt rét nhiều lần nên biết mình bị sốt rét và đã đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh để điều trị. Hiện, tôi đã cắt sốt, sức khỏe ổn định và được cho ra viện”.
Để chủ động phòng tránh bệnh sốt rét lây lan trong gia đình bệnh nhân và những người xung quanh, CDC Hà Tĩnh và Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh đã thực hiện giám sát, điều tra dịch tễ, lấy lam máu xét nghiệm tìm kí sinh trùng sốt rét cho người dân khu vực xung quanh nhà bệnh nhân và bắt muỗi, tìm muỗi sốt rét để định loại.
Bác sỹ Võ Văn Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh chia sẻ: “Trên địa bàn có số lượng lớn người dân đi lao động tại các địa phương và các nước có lưu hành bệnh sốt rét trở về, vì vậy, đơn vị thường xuyên chủ động giám sát chặt chẽ dịch bệnh này. Năm 2023, trên địa bàn không có bệnh nhân sốt rét, tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2024 đến nay, địa phương đã ghi nhận 2 bệnh nhân sốt rét đi từ Anggola trở về. Chúng tôi đã báo cáo chính quyền cấp trên và phối hợp với CDC Hà Tĩnh, địa phương có bệnh nhân, tiến hành giám sát, phát hiện và điều tra dịch tễ với mục tiêu cắt đứt đường lây truyền, quyết tâm không có thêm bệnh nhân mới”.
Qua giám sát tại địa bàn thôn 3, xã Kỳ Hoa và TDP Châu Phố, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, đoàn công tác đã lấy gần 100 lam máu của người dân khu vực quanh nhà bệnh nhân, tổ chức bắt muỗi, định loại tại 2 địa phương trên. Tất cả các mẫu này được đưa về CDC Hà Tĩnh để làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét và định loại muỗi.
Theo thống kê của CDC Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 ca mắc sốt rét, trong đó, có 2 ca tại huyện Kỳ Anh, 2 ca tại thị xã Kỳ Anh và 1 ca tại huyện Hương Khê, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bs. Nguyễn Hữu Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Qua điều tra dịch tễ, các bệnh nhân này đều đi lao động từ các nước có sốt rét lưu hành về. Trong đó, 4 người về từ Angola, 1 người về từ Lào. CDC Hà Tĩnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống bệnh sốt rét cho người dân, đặc biệt là với những người về từ các nước, địa phương có lưu hành bệnh sốt rét. Hiện tại, các địa phương phát hiện bệnh nhân sốt rét đều thực hiện tốt công tác phòng, chống nên không phát hiện thêm các ca bệnh thứ phát”.
Hà Tĩnh là một trong 50 tỉnh đã công bố loại trừ bệnh sốt rét, tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện các ca bệnh vãng lai. Nếu không làm tốt công tác phòng chống sốt rét, đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện điều trị sớm cho người bệnh mang ký sinh trùng sốt rét, diệt muỗi truyền bệnh và phòng chống muỗi đốt cho người dân thì nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại trong cộng đồng là rất cao.
Vì vậy, ngành Y tế Hà Tĩnh mong muốn chính quyền các địa phương và người dân không chủ quan lơ là với bệnh sốt rét. Đặc biệt, người dân cần chủ động thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế, thực hiện diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt để phòng bệnh.
Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, bệnh do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang. Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt, trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm khác như: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
Sốt rét được chữa khỏi hoàn toàn nếu dùng đúng thuốc, đủ liều và không bị muỗi truyền bệnh đốt lại. Nếu người bệnh không uống thuốc đúng và đủ liều sẽ xuất hiện lại các triệu chứng bệnh sốt rét, từ đó gây ra sốt rét kháng thuốc (nhờn thuốc). Do đó, khi thấy các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt rét, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được lấy lam máu, test để chẩn đoán và điều trị kịp thời.