Ngân hàng sẵn sàng cắt giảm lợi nhuận để “tung” các gói hỗ trợ tín dụng giúp đỡ các doanh nghiệp, người dân bước qua thời kỳ khủng hoảng do dịch Covid-19.
Từ đầu tháng 2, thời điểm Hà Tĩnh chưa xảy ra dịch bệnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đánh giá mức độ thiệt hại, sẵn sàng phương án kinh doanh, hỗ trợ tín dụng cho khách hàng. Điều này đã tạo nên hành động tổng lực với mục tiêu “không để DN, người dân nào bị bỏ lại phía sau” theo tinh thần của Chính phủ và NHNN Việt Nam.
Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện (TP Hà Tĩnh) là DN vận tải lớn ở Hà Tĩnh, nhưng vẫn không thể nào xoay xở trước những tác động của đại dịch Covid-19. Cùng một lúc, DN này phải chấp nhận toàn bộ 10 xe khách “nằm bến” đến 20 ngày; các cửa hàng buộc phải đóng cửa, công nhân không có việc làm.
Chưa bao giờ Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện lại phải chấp nhận 100% xe nằm bãi, không hoạt động (Ảnh chụp trước 23/4)
Bà Trần Thị Hiếu - Phó Giám đốc công ty cho biết: “Từ ngày 1/4, Vietinbank Hà Tĩnh đã thực hiện giảm 0,5% lãi vay cho số dư nợ hiện hữu là 3,4 tỷ đồng. Sự hỗ trợ, đồng hành của ngân hàng thực sự là nguồn tiếp sức quý giá, để chúng tôi tự tin vực lại sau khó khăn”.
Đối với HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương (Hộ Độ, Lộc Hà) thì khó khăn đã đến từ đầu năm 2020. Tình hình dịch bệnh phức tạp, nguồn hàng bán ra chậm, nhiều thị trường bị “đứt” hẳn, nợ ngân hàng trở thành gánh nặng đối với HTX. “Hiện tại, khối lượng tồn kho khoảng 81.000 lít nước mắm nhưng thị trường tiêu thụ rất chậm. Khi biết món vay 2,1 tỷ đồng được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, chúng tôi như nhẹ lòng hơn vì không bị bỏ lại phía sau”, ông Trần Xuân Hồng - Giám đốc HTX chia sẻ.
Được ngân hàng giảm lãi cho số nợ 2,1 tỷ đồng, HTX Chế biến hải sản Ánh Dương cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau trong đại dịch
Miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ; hạ lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới… quy mô gói hỗ trợ tín dụng được các ngân hàng điều chỉnh liên tục, tăng từ 250.000 tỷ đồng theo dự tính ban đầu lên 600.000 tỷ đồng kể từ giữa tháng 4.
BIDV đang là ngân hàng dẫn đầu với gói tín dụng 170.000 tỷ đồng hỗ trợ cho DN và khách hàng cá nhân; MB với 105.000 tỷ đồng; Agribank là 100.000 tỷ đồng; Vietcombank công bố 2 gói tín dụng có tổng trị giá 72.000 tỷ đồng; VietinBank hỗ trợ gói 60.000 tỷ đồng; Techcombank, SHB, HDBank… đều cắt giảm lợi nhuận để cùng chung tay gỡ khó cho khách hàng.
BIDV Hà Tĩnh chủ động giảm lãi suất cho vay mới từ 0,5-2%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.
Ông Trần Đại Dũng - Phó Giám đốc BIDV Hà Tĩnh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước và BIDV Việt Nam, BIDV Hà Tĩnh đã chủ động giảm lãi suất cho vay mới từ 0,5-2%/năm đối với khách hàng DN và khách hàng cá nhân. Đồng thời, cơ cấu lại kỳ hạn trả gốc, giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu cho khách hàng sụt giảm doanh thu do dịch Covid-19. Ước tính, số lãi được giảm tương đương khoảng 5 tỷ đồng. Chi nhánh tiếp tục hướng dẫn khách hàng bị thiệt hại hoàn thành hồ sơ để được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định”.
Theo Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Hà Tĩnh, đến ngày 13/4, toàn tỉnh có gần 3.700 tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi vay với lãi suất dao động giảm từ 0,5-4,5%/năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 200 tỷ đồng. Cùng với đó, giải ngân cho vay mới đạt doanh số gần 3.145 tỷ đồng (tính từ 23/1 - 31/3).
Cắt giảm lợi nhuận, “chia khó” cùng DN, hành động mạnh mẽ từ hệ thống ngân hàng đang thể hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, cùng chống lại đại dịch Covid-19 và vực lại nền kinh tế.