Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu chính (Ảnh: Văn Trường - tapchitaichinh.vn)
Sáng nay (13/7), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng cuối năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Chí Hiếu điều hành tại điểm cầu Hà Tĩnh. |
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát sinh nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, ngay từ đầu năm, ngành tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN để góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Cả nước thu NSNN đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm 2023; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70.300 tỷ đồng (miễn giảm 28.300 tỷ đồng, gia hạn 42.000 tỷ đồng).
Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn; đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội cho Nhân dân.
Tổng chi NSNN ước đạt 804.600 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán năm 2023, trong đó chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn (65.200 tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Lãnh đạo các sở, ngành của Hà Tĩnh chăm chú theo dõi hội nghị.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, toàn quốc đã thực hiện 31.600 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán. Ngành tài chính cũng kiểm tra trên 343.200 hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 43.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm và đề xuất các giải pháp để triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Một số đại biểu kiến nghị: Thu NSNN một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và cân đối ngân sách địa phương; ban hành một số văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu còn chậm; đề nghị Trung ương phân bổ nguồn vượt thu cho các địa phương; cần xây dựng lại dự toán thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu vì năm 2023 Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường...
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Văn Trường - tapchitaichinh.vn)
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà ngành tài chính đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023. Trước dự báo khó khăn của tình hình thế giới, thời gian tới, ngành tài chính cần đổi mới, sáng tạo; tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp những tháng cuối năm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu ngành tài chính thực hiện nghiêm các nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ tài chính - NSNN; tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung thể chế chính sách; tăng cường giải pháp thu, chi ngân sách; triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Ngoài ra, ngành tài chính cũng cần khẩn trương xử lý những tồn tại bất cập của thị trường; phối hợp cùng các bộ, ngành để làm tốt công tác điều hành và quản lý giá theo hướng đảm bảo cuộc sống cho người dân, người yếu thế; nâng cao tài chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiên phong chuyển đổi số... để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ kết quả công tác tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2023. (Ảnh: Văn Trường - tapchitaichinh.vn)
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ quyết tâm cao vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Theo đó, ngành tài chính sẽ tập trung tăng năng lực cho doanh nghiệp; thực hiện các chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN; tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả thị trường và thanh tra, kiểm tra việc sử dụng NSNN, tài sản công...
Tại Hà Tĩnh, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8.760 tỷ đồng (bằng 50% dự toán năm 2023 Trung ương giao, 46% dự toán năm 2023 HĐND tỉnh giao và bằng 80% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, thu ngân sách nội địa đạt 4.472 tỷ đồng (bằng 69% so với dự toán năm 2023 Trung ương giao, 56% dự toán năm 2023 HĐND tỉnh giao và bằng 92% so với cùng kỳ năm 2022); thu thuế xuất nhập khẩu đạt 4.287 tỷ đồng (bằng 39% dự toán năm 2023 Trung ương và HĐND tỉnh giao, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2022). Toàn tỉnh chi ngân sách đạt 9.459 tỷ đồng (bằng 47,3% dự toán năm 2023 HĐND tỉnh giao). Chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội trên địa bàn. |