PV:Những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh có sự phát triển lớn mạnh về mọi mặt. Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật mà ngành đạt được?
Ông Lê Ngọc Châu: Trước hết, phải khẳng định rằng, ngành đã triển khai sớm, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời nên không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Năm 2019, dịch sốt xuất huyết Dengue xẩy ra ở nhiều địa phương trong toàn quốc, nhiều tỉnh lân cận có số người mắc trên 10.000 người, nhưng tổng số ca mắc ở Hà Tĩnh là 274 và nhất là không có trường hợp tử vong. Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành đã thực hiện các biện pháp dự phòng đồng bộ, hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình dịch nên chưa phát hiện trường hợp nhiễm nào.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu tặng quà các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh dịp Tết Nguyên đấn Canh Tý.
Công tác khám, chữa bệnh thay đổi khá toàn diện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng dịch vụ. Tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế chuyển biến căn bản, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú và ngoại trú hằng năm luôn đạt trên 90%.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng, chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ đắc lực cho chẩn đoán, điều trị được đầu tư. Hiện có 5/13 bệnh viện tuyến huyện là vệ tinh của các bệnh viện hàng đầu tuyến Trung ương.
Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được đầu tư đồng bộ.
Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được đổi mới, phát triển, trên 80% trạm y tế được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thiện việc đầu tư cho 100% trạm y tế. Đến nay, đã có trên 98% trạm đạt các tiêu chí quốc gia về y tế. Y tế cơ sở Hà Tĩnh là điểm sáng trong cả nước về lập hồ sơ sức khỏe cho người dân, được Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao.
Hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm được triển khai đồng bộ tại các xã. Người dân trên 40 tuổi được tầm soát bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường miễn phí. Năm 2019, có 110 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình.
Ngành đã triển khai hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh. Đến nay, 100% cơ sở y tế khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã ứng dụng phần mềm trong quản lý điều hành và hoạt động chuyên môn.
Nhiều phần mềm được ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị (Trong ảnh: Phần mềm lưu và chuyển hình ảnh PACS).
Hà Tĩnh là đơn vị đi đầu trong cả nước về áp dụng mạng y tế cộng đồng Medcomm giúp hỗ trợ người tiêu dùng và nhà quản lý trong việc giám sát, lựa chọn các cơ sở y dược trên địa bàn toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế đã thực hiện đạt và vượt 5/6 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
PV:Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đó còn thách thức nào mà ngành Y tế Hà Tĩnh đang phải đối mặt, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Châu: Hiện nay, gánh nặng mô hình bệnh tật kép với các bệnh lây nhiễm vẫn lưu hành và diễn biến phức tạp, các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh. Người dân vẫn còn nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhận thức chưa đầy đủ về bảo vệ và nâng cao sức khỏe, thậm chí còn chủ quan với sức khỏe, sử dụng kháng sinh bừa bãi… Trong khi đó, năng lực cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế.
Hà Tĩnh đang chủ động phòng chống dịch Covid-19 (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch tại KKT Vũng Áng).
Nhu cầu về nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn rất lớn. Cơ sở hạ tầng của các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư từ lâu và không đồng bộ nên nhiều cơ sở bắt đầu xuống cấp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều, năng lực trong quản lý điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ tại tuyến cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Các cơ chế, chính sách, điều kiện làm việc tại địa phương chưa đủ hấp dẫn để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn.
Các cơ sở y tế thường xuyên nhận được sự chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia y tế tuyến Trung ương.
Một bộ phận cán bộ y tế thái độ phục vụ còn thiếu chuẩn mực. Việc quản lý quy trình, quản lý sự cố y khoa chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực quản trị còn là khâu yếu tại một số bệnh viện. Cơ chế tài chính, BHYT còn nhiều bất cập, việc đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý trong các cơ sở y tế công lập còn gặp nhiều khó khăn, mô hình quản lý, cơ chế quản lý y tế tư nhân, quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.
PV: Rõ ràng, những thách thức trên chưa dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Xin ông cho biết các mục tiêu mà ngành sẽ hướng đến trong thời gian tới?
Ông Lê Ngọc Châu: Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, ngành Y tế Hà Tĩnh không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động.
Duy trì tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, đảm bảo ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động tuyến y tế cơ sở, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy của trung tâm y tế cấp huyện. Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế trong năm 2020. Hoàn thiện việc tầm soát bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho người dân trên 40 tuổi.
Tập trung phát triển chuyên môn kỹ thuật, tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hoàn thiện việc đầu tư khu xạ trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh phục vụ điều trị bệnh nhân ung thư. Cải cách mạnh mẽ, toàn diện thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển y tế, tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển hệ thống y tế.
Tiếp tục xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng phát triển về chiều sâu.
Ngày 27/2 năm nay, toàn ngành đang “căng mình” phòng chống dịch Covid-19. Ngành đã dừng các hoạt động kỷ niệm để tập trung phòng chống dịch bệnh với mục tiêu kiểm soát không để dịch bệnh xuất hiện và lây lan trên địa bàn.
Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chúng tôi mong muốn toàn thể cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, hy sinh niềm riêng để mang lại sự an tâm, an toàn cho người dân.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!