Cổ Đạm - mạch nguồn nuôi dưỡng những điệu ca trù. Ảnh: Huy Tùng
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương sinh năm 1969 tại thôn Phú Hòa, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là một trong những nghệ nhân xuất sắc của miền đất hát Nghi Xuân. Tuy yêu mến ca trù từ thuở thanh niên, khi nghệ nhân Phan Thị Mơn còn sống và truyền dạy cho các thế hệ trẻ nhưng do điều kiện cuộc sống, bà chưa có cơ hội gắn bó với ca trù. Mãi cho đến năm 2005, cô con gái cả Cao Thị Phương Anh (sinh năm 1994) bắt đầu theo học ca trù thì bà mới có cơ duyên được luyện tập và gắn bó với điệu hát truyền thống của làng.
Vốn có năng khiếu và niềm yêu thích các làn điệu ca trù nên bà học rất nhanh và đã sớm trở thành ca nương xuất sắc của CLB Ca trù Cổ Đạm. Quá trình gắn bó với ca trù, bà đã cùng các thành viên CLB tham gia biểu diễn tại nhiều hoạt động văn hóa, chính trị của xã, huyện. Đặc biệt, bà đã tham gia các kỳ liên hoan ca trù của huyện, tỉnh và toàn quốc. Trong đó, năm 2009, bà đạt giải A Liên hoan Ca trù huyện Nghi Xuân; năm 2014, bà cùng các nghệ nhân ca trù Hà Tĩnh tham dự Liên hoan Ca trù toàn quốc; năm 2020, bà được phong Nghệ nhân ca trù; năm 2021, bà giành giải A Liên hoan Ca trù huyện Nghi Xuân.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương là một trong những số ít người con tại Cổ Đạm đang ngày đêm miệt mài giữ gìn, bảo tồn và phát huy làn điệu ca trù Cổ Đạm.
Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hương đang là Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm và chính là người đảm nhiệm vai trò truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân chia sẻ: “Ngày nay, thế hệ trẻ không còn mấy quan tâm đến ca trù, ca trù rất kén người nghe và cũng khó để tập luyện nên rất ít người gắn bó lâu dài. Tuy vậy, ai thật lòng đam mê thì không dứt được. Trong thực tế, nhiều người vì kế sinh nhai, đã “dứt áo” ra đi nhưng khi trở về họ lại gắn bó với các làn điệu ca trù. Đó chính là môi trường để ca trù Cổ Đạm vẫn được nuôi dưỡng trong đời sống văn hóa của làng, của xã và rộng hơn là của huyện, của tỉnh. Hiện nay, tôi đang truyền dạy cho 14 em ở huyện Nghi Xuân, tất cả đều có năng khiếu, mong rằng, các em sẽ có đủ đam mê để gắn bó lâu dài”.
Trong vai trò là người truyền dạy, nghệ nhân Nguyễn Thị Hương không chỉ dạy hát mà còn tranh thủ trò chuyện, tuyên truyền, khơi gợi được nhận thức, lòng tự hào về phong tục, bản sắc văn hóa cũng như ý thức bảo vệ, phát huy giá trị ca trù trong đời sống cho các thế hệ học sinh.
Em Nguyễn Quỳnh Như chia sẻ: “Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền cho chúng em tình yêu ca trù mãnh liệt. Từ đó, em và các bạn thấy được vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc".
Với những nghệ nhân miền đất hát Cổ Đạm, ca trù là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của họ.
Ca trù có ở nhiều vùng khác nhau nhưng mỗi vùng đất lại có một đặc điểm riêng biệt. Ở Cổ Đạm, ca trù thường được hát nhanh, tiết tấu rõ hơn, không luyến láy, ngừng nghỉ nhiều như ở các vùng miền khác. Từ xưa đến nay, ca trù vốn được xem là tài sản văn hoá quý báu của vùng đất Cổ Đạm, có thời kỳ được coi là tiêu chí để đánh giá chuẩn mực của một cô gái. Chính vì vậy, ca trù đã trở thành một phần máu thịt của những người con xứ Cổ Đạm.
Ngày nay, các nghệ nhân dân gian đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Và nghệ nhân Nguyễn Thị Hương đang cùng với các nghệ nhân, ca nương trong CLB nỗ lực sưu tầm, gìn giữ những nét độc đáo của ca trù Cổ Đạm.