Khó tiếp cận nguồn vốn
Sau 1 năm "lòng vòng" làm hồ sơ vay vốn chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 32, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp & Môi trường Sơn Hàm vẫn chưa được giải ngân, ảnh hưởng đến mở rộng phát triển sản xuất
HTX Dịch vụ Nông - lâm nghiệp & Môi trường Sơn Hàm (Hương Sơn) có 11 thành viên với tổng diện tích đất sản xuất góp vốn hơn 200 ha đất đồi, rừng. Ngoài việc trồng cây lâm nghiệp, hàng năm HTX còn sản xuất, tiêu thụ 50.000 giống cây ăn quả và 600.000 cây lâm nghiệp.
Đầu năm 2017, ngay sau khi Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017 - 2018 (gọi tắt là Nghị quyết 32) có hiệu lực, Ban quản trị HTX cùng các thành viên quyết định làm hồ sơ vay 300 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động và mở rộng quy mô sản xuất.
Đối chiếu với những điều kiện của Nghị quyết 32, các thành viên HTX đều phấn khởi, kỳ vọng sẽ sớm được giải ngân nguồn vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sau nhiều lần hoàn tất các thủ tục, đến nay, HTX Dịch vụ Nông - lâm nghiệp & Môi trường Sơn Hàm vẫn chưa giải ngân được đồng nào, đành chấp nhận bỏ cuộc.
“Để được vay vốn, chúng tôi phải lập dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới và phải được xã chứng nhận, phê duyệt; tiếp đó lên ngân hàng thẩm định sau đó lại quay về xã ký cam kết, xác nhận… Mặc dù chúng tôi đã "lộn" hết các vòng nhưng hơn 1 năm làm hồ sơ, đến nay vẫn không giải ngân được” - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông - lâm nghiệp & Môi trường Sơn Hàm Lê Ngọc Trung chán nản cho biết.
Anh Trung là một trong số rất nhiều giám đốc HTX trên địa bàn chia sẻ về những khó khăn trong vay vốn theo Nghị quyết 32. Cũng theo nhiều HTX và hộ gia đình có nhu cầu vay vốn, trong khi thủ tục vay vốn đã rườm rà, lòng vòng thì mức hỗ trợ thấp và thời gian vay vốn kéo dài cũng khiến họ không mặn mà.
Theo Nghị quyết 32 , hộ gia đình sản xuất nấm có quy mô 200m2 lán trại tập trung trở lên được hỗ trợ một lần với mức 35.000 đồng/m2 diện tích lán trại cố định, tối đa 10 triệu đồng/hộ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hà Tĩnh, lũy kế doanh số cho vay theo Nghị quyết 32 đến nay là 50,07 tỷ đồng; số lượt khách hàng được vay vốn 196 (10 HTX, 4 chủ trang trại, 182 cá nhân, hộ gia đình); số tiền lãi đã hỗ trợ là 1,31 tỷ đồng.
Nếu so với các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất theo Quyết định 26, Quyết định 23 trước đó của UBND tỉnh, thì doanh số cho vay và số tiền lãi phải hỗ trợ theo Nghị quyết 32 đạt kết quả rất thấp.
Cụ thể, theo Quyết định 26, Quyết định 23 thì doanh số vay phát sinh bình quân 3.695 tỷ/4,5 năm = 821 tỷ/năm, còn theo Nghị quyết 32 thì bình quân 50,070 tỷ/1,75 năm = 28,57 tỷ/năm.
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc
Chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 32 của tỉnh đã góp phần phát triển sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng NTM trên địa bàn. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện còn những bất cập, hạn chế, cần điều chỉnh trong quá trình xây dựng các chính sách tiếp theo.
Theo Nghị quyết 32, xây dựng vườn mẫu đạt tiêu chí theo quy định của UBND tỉnh được thưởng 5 triệu đồng/vườn (mức thấp hơn so với trước đây là 20 triệu) nên không "hấp dẫn" người dân
“Theo Nghị quyết 32, mức hỗ trợ lãi suất chỉ bằng 30% mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại (thấp hơn 20 - 30% so với các chính sách hỗ trợ trước đó). Trên thực tế, nhu cầu vay vốn trung, dài hạn để đầu tư mới giai đoạn 2017 đến nay không lớn, mà chủ yếu là nhu cầu vay vốn lưu động (ngắn hạn) để duy trì SXKD, phát huy hiệu quả của các dự án đã đầu tư. Trong khi đó tại Nghị quyết 32 không hỗ trợ cho vay ngắn hạn”, ông Lê Đức Tuấn - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh phân tích.
Theo ông Lê Đức Tuấn, để chính sách phát huy hiệu quả, cần mở rộng thêm đối tượng để thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân có dự án kinh doanh khả thi, phương án SXKD hiệu quả được tiếp cận vốn vay; xem xét việc cho vay ngắn hạn đáp ứng nhu cầu vốn lưu động (12 tháng trở xuống).
Đối với hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị kết hợp nội dung hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành.
Để chính sách đi vào cuộc sống, tạo ra những hiệu quả và tác động mạnh mẽ hơn, đúng như mục tiêu và kỳ vọng, theo đề xuất của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2019 - 2021 cần tiếp tục tập trung phát triển sản xuất thông qua ưu tiên hỗ trợ lãi suất vay vốn. Cùng với việc xác định các đối tượng, các khâu thật sự cần thiết để hỗ trợ trực tiếp phát triển sản xuất, tập trung phát triển thương mại nông thôn.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng như các địa phương, với vai trò, trách nhiệm của mình cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến đông đảo nhân dân; kịp thời hỗ trợ người dân khi phát sinh những vướng mắc, nhất là trong vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính.