Nguồn lợi hải sản xuất hiện nhiều nên ngư dân làm nghề te ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) đang tăng cường bám biển.
Ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim (Lộc Hà) có thuyền chuyên làm nghề câu mực khơi. Nếu những năm trước trên thuyền sẽ có 4 bạn nghề và chỉ đi biển 4 ngày/chuyến thì hiện nay mỗi chuyến câu của ông chỉ còn 3 người nhưng kéo dài thời gian lên đến 6 ngày.
Việc cắt giảm nhân lực, kéo dài thời gian chuyến biển giúp ông tiết kiệm chi phí nhân công, giảm xăng dầu đi về và đánh được nhiều mực hơn.
Ngoài ra, lý do ông Thanh và các bạn nghề không quản khó khăn, quyết tâm bám biển là vì giá hải sản (mực) dịp này tăng 15 – 20 % so với cùng kỳ năm trước nên sau khi trừ chi phí thì mỗi chuyến đi biển họ có mức thu nhập bình quân khoảng 2,6 - 2,8 triệu đồng/người/6 ngày.
Tuy chưa thực sự hài lòng, nhưng đối với họ đây được xem là mức thu nhập tạm chấp nhận được trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ngư dân Thịnh Lộc (Lộc Hà) hối hả ra vùng lộng sản sản xuất vào mỗi buổi chiều.
Không chỉ có ông Thanh, dù trong bối cảnh giá dầu tăng cao, các chi phí khác cũng cũng “đội” lên đáng kể, nhưng ngư dân vùng Thạch Kim, Thinh Lộc, thị trấn Lộc Hà... của huyện Lộc Hà cũng vẫn kiên trì bám biển, vươn khơi.
Nhịp điệu sản xuất được ngư dân khôi phục nên không khí ở cảng cá Cửa Sót thời gian gần đây đã có dấu hiệu “ấm” trở lại, tàu thuyền ra vào khá đông đúc, cảnh mua bán hải sản khá tấp nập. Bình quân mỗi ngày ở đây có khoảng 50 - 55 lượt tàu thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào, mang về cảng bốc dỡ khoảng 20 tấn hải sản các loại.
Quang cảnh nhộn nhịp ở cảng cá Cửa Sót vào mỗi buổi sớm mai lúc thuyền về.
Chị Nguyễn Thị Duyên – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “6 tháng đầu năm 2022, dù rất khó khăn nhưng ngư dân Lộc Hà đã linh hoạt ứng phó với tình hình từng thời điểm và tích cực bám biển vươn khơi, duy trì nhịp điệu sản xuất để đảm bảo việc làm và thu nhập.
Kết quả là đội tàu đánh bắt 253 chiếc (với tổng công suất 15.000 CV) trên địa bàn đã khai thác được 2.685 tấn hải sản các loại, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 67% kế hoạch năm. Đây là tín hiệu vui và cũng là tiền đề quan trọng để cuối năm có thể vượt mức kế hoạch 4.000 tấn đề ra”.
Ngư dân phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) gỡ lưới khi tàu đánh cá trích về bờ.
Cũng như ngư dân Lộc Hà, đội tàu thuyền đánh bắt hải sản của các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện và thị xã Kỳ Anh đang nỗ lực khắc phục khó khăn để bám biển, duy trì sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Đông Hà 1, xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) cho hay: “Đợt này, thuyền chúng tôi làm nghề te, đánh bắt cá mu, cá trích và cá bạc má. Do ngư trường khá dồi dào, ra biển gặp may mắn, anh em làm việc cật lực nên mỗi chuyến biển 2 ngày chúng tôi có thể thu về gần 1 tấn cá các loại với trị giá khoảng 25 - 27 triệu đồng. Ngoài ra, do giảm 1 nhân lực, cắt giảm các chi phí phát sinh khác, nên 4 bạn nghề trên thuyền có mức thu nhập từ 1,5 triệu đồng/người/2 ngày, riêng chủ thuyền được khoảng 4 triệu đồng/chuyến”.
Ngư dân Cương Gián (Nghi Xuân) bận rộn phân loại hải sản sau một đêm đi biển.
Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh), từ đầu năm đến nay, đội tàu đánh bắt hải sản 3.404 chiếc của ngư dân Hà Tĩnh (đánh bắt vùng khơi 116 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, đánh bắt vùng lộng có 585 chiếc có chiều dài từ 12 - 15m và ven bờ 2.703 chiếc có chiều dài từ 6 - 12m) vẫn kiên trì bám biển, khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất.
Sản lượng khai thác biển 6 tháng đầu năm 2022 của toàn tỉnh đạt 17.763 tấn, đạt gần 54% kế hoạch năm và tăng gần 5% so với cùng kỳ 2021.
Mỗi sớm mai cảng cá Cửa Sót luôn ngập tràn hải sản tươi ngon (ảnh tư liệu).
Anh Hồ Ngọc Diễn - cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Những tháng đầu năm dù gặp nhiều khó khăn nhưng đánh bắt hải sản vẫn đạt kết quả tốt vì năng lực khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng phát triển, đại đa số ngư dân vẫn yêu nghề và hăng say lao động; ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi diễn biến ngư trường và tình hình thời tiết để tham mưu, chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn cho ngư dân tổ chức khai thác đạt kết quả; các cấp, ngành tiếp tục triển khai các chính sách phát triển khai thác thủy sản, ổn định đời sống ngư dân và vận động, khuyến khích bà con bám biển…”.
“Trong những tháng đầu năm 2022, rất nhiều loài cá nổi xuất hiện tại ngư trường Hà Tĩnh như: cá cơm, các trích, cá lẹp… và giá các sản phẩm tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái nên ngư dân vẫn duy trì sản xuất và đưa lại sản lượng cao. Các tàu thuyền hoạt động vùng lộng và vùng khơi đã tăng cường liên kết tổ đội để hỗ trợ nhau, tăng thời gian chuyến biển để giảm chi phí đi về. Ngoài ra, ngư dân cũng đã chú trọng cải hoán tàu thuyền, chuyển đổi phương thức đánh bắt (nghề lưới kéo sang nghề câu, lồng bẫy, rê...) để thân thiện với môi trường, giảm chi phí nhiên liệu, giảm lao động trực tiếp…”, anh Hồ Ngọc Diễn chia sẻ thêm.