Không khí tại bến thuyền ở làng biển Kỳ Ninh luôn nhộn nhịp bởi tiếng động cơ máy thuyền, tiếng nói cười của người mua, kẻ bán bởi sự bội thu mùa cá cơm cuối năm âm lịch.
Các sọt cá được trung chuyển từ thuyền vào bờ bằng các bè phao xốp tự chế của các ngư dân.
Anh Phạm Văn Tuấn (thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh) chia sẻ niềm vui: "Thuyền chúng tôi có công suất 200CV nên thường đánh bắt ở cách bờ khoảng 8-9 hải lý, hôm ít nhất thì được hơn 1 tấn, hôm nhiều thì được hơn 10 tấn. Đợt này, vào vụ chính cá cơm, lại gặp thời tiết thuận lợi nên mấy ngày nay luôn gặp luồng cá cơm dày đặc, đa phần các tàu đều trúng mẻ lớn. Cá được nhập tại bến cho các thương lái dao động từ 10.000 -17.000 đồng/kg... Trừ chi phí xăng dầu, nhân công, có những ngày cao điểm thu lãi gần 100 triệu đồng..."
Còn ngư dân Nguyễn Văn Toàn ở thôn Tam Hải 2 bày tỏ: "Ra khơi chỉ hơn 1 buổi cũng kiếm được bạc triệu, cá vừa vô bờ, thương lái đã chờ mua ngay nên anh em trên thuyền rất phấn khởi. Tết nguyên đán cận kề, những chuyến biển cuối năm thắng lợi, giúp các gia đình ngư dân chúng tôi có thêm thu nhập để đón xuân tươm tất hơn...".
Những chuyến đi biển cuối năm đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân vùng biển Kỳ Ninh.
Những mẻ cá cơm bạc tươi lấp lánh...
... được các thương lái đón mua tận bãi.
Thương lái thanh toán tiền cá cho các đội thuyền...
Theo các ngư dân, cá cơm có rải rác quanh năm nhưng cao điểm thường rơi vào từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Cá cơm có rất nhiều loại, gồm: Cá cơm bạc, cá cơm mờm, cá cơm than...trong đó, cá cơm bạc có giá trị kinh tế cao nhất.
Ông Lê Công Đường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: "Toàn xã có hơn 50 tàu làm nghề đánh bắt gần bờ, trong đó tập trung vào đánh bắt cá cơm, ruốc biển, sứa...Nghề khai thác cá cơm chỉ mất thời gian ngắn, đi về trong ngày, chi phí xăng dầu, nhu yếu phẩm cũng rất thấp nhưng thu hoạch từ cá cơm rất cao. Hiện ở địa phương có hơn 20 hộ tham gia làm nước mắm truyền thống, trong có, 3 đơn vị làm nước nắm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Tất cả nước mắm đều được chế biến từ nguồn cá cơm của vùng biển Kỳ Ninh. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế chủ lực của xã chúng tôi tại thời điểm hiện tại và trong thời gian tới...".