Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng là nơi đang chứa trong mình 3 điều đặc biệt: Đó là hồ tích nước lớn thứ 3 ở Việt Nam; đó là di tích lịch sử quốc gia 130 năm tuổi, căn cứ cuộc khởi nghĩa của danh tướng Phan Đình Phùng và có đường biên giới 63 km với nước Lào...
Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ cử 3 cán bộ kiểm lâm đưa chúng tôi thâm nhập vườn theo đường thủy. Như là một tuyến du thám, bởi Vườn Quốc gia Vũ Quang có tổng diện tích bảo vệ, quản lý hơn 57.038 ha, gồm 49 tiểu khu, trải dài cả 3 huyện: Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê. Vườn còn có tới 13 xã vùng đệm, 105 thôn bản với hơn 50.000 người dân sinh sống xung quanh...
Trạm trưởng Nguyễn Sang Trang giới thiệu vùng 3 cá thể voi mới xuất hiện.
Mênh mang xen lẫn dạt dào hữu tình hồn non, hồn nước, hồn người. Nhiều lắm, những cảm xúc đặc biệt khi nương theo con sóng để được dính mắc với vô vàn sự vật… Phía dưới mấy chục mét nước kia là đáy hồ được sáng tạo từ dòng sông Ngàn Trươi trầm tích ngàn mùa bồi lở. Xưa ấy, hai bên bờ là nơi quần cư nương nhau đời nối đời của hàng cư dân Việt và Lào. Sau 8 năm thi công, tháng 10/2017, Vườn Quốc gia Vũ Quang mang trong lòng mình một diện tích ngập nước gần 4.000 ha, hơn 32 hòn đảo lớn nhỏ; hồ thiết kế cao trình đỉnh lũ cos +53,9m so với mặt biển Đông, cấp nước tưới cho 32.500 ha đất nông nghiệp cùng nước dân sinh 8 huyện Hà Tĩnh. Hồ gắn du lịch sinh thái, đồng thời có chức năng ngăn lũ cho vùng hạ du 4 huyện và cấp nước cho sản xuất. Cùng đó là một nhà máy thủy điện có công suất 16 MW.
Từ khi đập thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang hoàn thành và tích nước, khai sinh đời hồ cũng là khai tử một phần đời sông mà xưa được gọi là “ác giang”, lắm thác, nhiều ghềnh, hun heo chướng khí. Trong muôn vàn thảm thực vật khô khắt của tre, của cọ… giữa hồ và bên hồ, dường như vẫn còn đó vương vấn nhịp sống của cư dân xứ “lâm cùng thủy tận” ngày nào. Cuộc đại di dân rời đi hàng chục km dứt lìa mép sông dường như vẫn còn đong đầy lưu luyến. Những ngôi nhà ngập trong nước còn nguyên các khung cửa sổ khép hờ, từng mảng tường mỗi ngày lở lóc do sóng nước; những thành giếng nước ngấp nghé trong ngoài… hình như thay cho những lời tự sự thật sâu với du khách… Mà đúng vậy. Trong mấy ngàn nhân khẩu của hơn 700 hộ di cư rời vùng đất này 8 năm, hơn 20 km, vẫn còn những người dân trở lại nơi những mom đất còn chưa chìm để tận dụng gieo trồng cây lương thực, như là một lẽ tự nhiên của nhà nông “năng nhặt chặt bị”, lam lũ mà an nhiên… Đó là những xóm Đăng, Kiều, Móc, Thị, những Tân Điền, Kim Thọ, Tùng Quang, Tân Quang, Kim Quy… của 2 xã Hương Điền và Hương Quang. Khác với chúng tôi, Nguyễn Sang Trang mỗi lần du thuyền qua khu vực này, trong anh lại thêm một lần xốn xang. Bởi bố mẹ anh là dân lâm nghiệp định cư vùng đất này. Anh trườn ra đầu mũi con thuyền để ngắm nghía cho thỏa, để tâm hồn uống thêm một lần nguồn nước tuổi thơ: “Hồi xưa, nhà em chỗ kia kìa… Hàng ngày học cấp 1 ra tận phía bên này, phải đi bộ 5 cây số đó anh…!”.
Hơn 30 đảo lớn, nhỏ soi bóng xuống mặt hồ.
Nhà thơ Lê Văn Vỵ là người bản địa, anh kể: “Nơi đây giờ bốn bề mênh mông nước, nhưng ngày xưa là nơi dấu những đoàn quân, những lò rèn vũ khí, binh đao, những kho lương thực, những nhà máy in giấy bạc Cụ Hồ cung cấp cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên và Liên khu 5 đánh thắng giặc Pháp. Cho nên nói Ngàn Trươi là “ác giang” chỉ đúng một phần, Ngàn Trươi còn thấm đẫm yêu thương, như vòng tay mẹ hiền chở che cho nghĩa quân và cán bộ”...
Sau 1 giờ 15 phút, thuyền máy đưa chúng tôi tấp vào bờ trái của hồ. Đó là Trạm Kiểm lâm Cò 2 nằm lưng chừng dốc, khá cheo leo. Chủ nhà rót nước mời, khách uống vội và tiếp tục đi ngay theo đường bộ giữa rừng. Qua khe Thuồng Luồng, chúng tôi tạt vào khuôn viên bia tưởng niệm cuộc khởi nghĩa Hương Khê và chiến thắng Vũ Quang, cùng thắp hương viếng cụ tiến sĩ Phan Đình Phùng (1847-1895). Tiếp tục đi qua đồn biên phòng, khu dân cư cũ, ngầm suối xiết và đến Trạm Kiểm lâm Cò 1. Đây là trạm 3 “không”: Không điện sinh hoạt, không sóng điện thoại và không nước sạch. Được biết, trạm này quản lý, bảo vệ diện tích lớn nhất ở vườn, hơn 23.000 ha, thuộc 14 tiểu khu, nhưng chỉ có 5 kiểm lâm viên. Mới 1 người có vợ, và được… 3 ngày, đó là Trạm trưởng Phạm Văn Ngọc đang ở quê, còn 4 thanh niên rất trẻ. Tôi chạnh lòng nhớ cảnh ở đảo chìm nơi quần đảo Trường Sa khi tôi từng đến. Các chàng trai kiểm lâm ở đây cũng sống giữa ốc đảo hoang sơ. Phên dậu ngoài trùng dương kia và phên dậu trong đại ngàn này, những chàng trai đều chấp nhận nhiều thiếu thốn, vượt qua nhiều thiệt thòi để một lòng trung thành canh giữ bờ yên cõi lặng cho chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.
Nắm chặt tay chào các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Cò 1, chúng tôi vội đi tiếp. Mấy km nữa, Nguyễn Việt Hùng dẫn đầu rẽ trái vào theo một lối nhỏ để đến di tích căn cứ Vũ Quang. Cây rừng giăng mắc lối đi vừa xa lạ, vừa thân thuộc. Bất chợt, trời đổ mưa lộp bộp. Mưa nặng hạt nhưng không thể dừng lại, mỗi người bẻ cho mình một lá chuối rừng che để đi tiếp. Với tôi, cảm giác thực sự hồi hộp, bồn chồn khi về nguồn cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Được đặt chân lên lũy thành mà tiền nhân tạo dựng cách 130 năm trước, cảm nhận như lòng núi cựa quậy… Với tổng chiều dài 8.010m, rộng 150m, độ cao trung bình 30m, lũy thành được tạo bằng đá tự nhiên, xưa lừng lững, giờ cây rừng mọc cao, ôm che, chất chứa đầy những trầm tích. Nơi chúng tôi đứng là trên đỉnh thành. Hun hút dưới vách đá là hệ sinh thái vô cùng đa dạng. Rêu phong vách đá của thành là thông điệp về tấm lòng trọn vẹn yêu quê hương, đất nước của cha ông gửi muôn hậu thế!
Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn mang trong mình nhiều giá trị về đa dạng sinh học, cả hệ thực vật và động vật
Trở lại Trạm Kiểm lâm Cò 2 khi mặt trời chuẩn bị nấp dãy núi Tây Nam. Chúng tôi nhanh chóng xuống thuyền quay ra cửa rừng. “Cò kìa, cò kìa…!”. Tất cả hướng về phía Đông Bắc của hồ, nơi có đến hàng trăm cánh cò rợp phau khung trời. Chúng mãi mãi mang theo nỗi lạ lẫm suốt đời vì mặt nước sông Ngàn Trươi rộng ra hàng chục mét, ngọn cây khô áp mặt nước mà chúng nương đậu hôm nay là cây xanh bóng mát trên tít đỉnh cao thuở nào… Vâng! Vườn Quốc gia Vũ Quang vẫn mang trong mình nhiều giá trị về đa dạng sinh học, cả hệ thực vật và động vật. Trước ngày chúng tôi vào 2 tuần, chính Nguyễn Sang Trang đã dẫn đoàn VTV thâm nhập ghi hình dấu vết đàn voi 3 cá thể vừa qua. Thạc sĩ Nguyễn Việt Hùng vừa đi, vừa giới thiệu cho chúng tôi một số loài thực vật đặc sắc của Vườn Quốc gia Vũ Quang. Là cán bộ nghiên cứu khoa học, anh khá rành rõi về những thông tin đa dạng sinh học: “Vườn đang giữ được trạng thái gần như nguyên sinh với đa dạng hệ thực vật và động vật rất cao, khoảng 1.612 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm. Đặc biệt, trong vườn có đến 36 loài thú đặc hữu như voọc chà vá chân nâu, vượn má vàng…”.
Công trình đập dâng (thuộc công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang) – nằm trong quần thể vườn quốc gia Vũ Quang cũng là 1 điểm để du khách khám phá, tìm hiểu về sức mạnh của con người
Sau cơn mưa rừng râm ran cành lá một lúc, bầu trời Vũ Quang càng cao xanh hơn. Mặt nước hồ phẳng lặng như tấm gương khổng lồ soi bóng sự hợp hôn của non cao rừng thẳm hữu tình say… Chúng tôi rời Vườn Quốc gia Vũ Quang trong khoáng đạt và mãn nhãn. Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ chia sẻ: Đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc mở mang ngành nghề kinh doanh cho đơn vị thuê môi trường rừng, tăng thêm nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách. Đồng thời, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được đầu tư chính đáng, góp phần phục hồi và phát triển rừng nhanh hơn, giảm một phần đáng kể đầu tư ngân sách nhà nước thông qua nguồn thu từ hoạt động du lịch của vườn hàng năm.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và bảo tồn bền vững diện tích đất ngập nước trên 4.000 ha của lòng hồ liền kề với rừng đặc dụng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 1825/UBND-LN ngày 29/3/2017 về việc tạm thời giao Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý toàn bộ diện tích mặt nước lòng hồ, tạo điều kiện để vườn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nghiên cứu tìm giải pháp quản lý hệ sinh thái đất ngập nước để bảo vệ nguồn thủy sinh bền vững. Bên cạnh những cơ chế chính sách phù hợp, Nhà nước cần đầu tư về kinh phí để mua sắm các phương tiện tuần tra như: Tàu, thuyền, xây dựng lại hệ thống nhà trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra; nghiên cứu xây dựng các chương trình dự án tạo sinh kế cho người dân vùng đệm, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề để giảm sức ép vào rừng..., nguồn nhân lực bảo đảm cho Vườn Quốc gia cũng là một vấn đề cần được ưu tiên cao. Và cần lắm sự hướng đến Vườn Quốc gia Vũ Quang của nhiều cấp, ngành, các nhà khoa học.