Ông Trần Đình Bình (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà) khó khăn trong chi tiêu vì giá xăng dầu tăng cao.
Ông Trần Đình Bình (xã Đỉnh Bàn - Thạch Hà) là một người chuyên lái xe ôm. Trước đây, vốn dĩ cuộc sống của ông đã không lấy gì là thoải mái, song việc duy trì công việc thường xuyên cũng đủ cho ông trang trải chi phí.
“Trước đây, khi giá xăng chưa tăng thì ngày chở khách kiếm được 100.000 đồng là đã có lãi rồi, bây giờ ngày phải kiếm được trên 200.000 đồng thì may mới có đồng ra đồng vào. Chưa kể xăng tăng thì mặt hàng gì cũng lên theo, bánh mì bình thường giá 10 - 12.000 đồng/cái nay lên 15.000 đồng/cái rồi còn thực phẩm, dịch vụ... tất cả đều tăng mà thu nhập vẫn chỉ có vậy nên cuộc sống càng khó khăn hơn” - ông Trần Đình Bình chia sẻ.
Với một người làm nghề giúp việc theo giờ như chị Trần Thị Xuân (xã Thạch Trung - TP Hà Tĩnh) thì càng phải dè sẻn chi tiêu. “Làm cái gì mình cũng đau đầu để tính toán cho phù hợp, chưa nói gì đến những cái lớn hơn, bình thường đổ 50.000 đồng đã đầy bình xăng vậy mà nay phải đổ tới 90.000 đồng; mớ rau, con cá ngoài chợ cũng tăng giá theo xăng dầu. Ngoài các khoản chi tiêu cơ bản, giờ còn phải thêm một số chi phí phát sinh như: kit xét nghiệm, thuốc men phòng COVID-19... nên phải thắt lưng buộc bụng hơn”.
Những lao động tự do như lái xe ôm, cửu vạn, bán nước ven đường... có thu nhập thấp phải tính toán chi tiêu khi giá các mặt hàng tăng.
Câu chuyện của chị Xuân, ông Bình cũng đang là nỗi niềm chung của nhiều người dân có thu nhập thấp, lao động tự do ở Hà Tĩnh trước cơn “bão giá".
Anh Nguyễn Văn Nam - một lao động tự do cho biết: “Vì nhà xa nên mình vào thành phố làm việc, đến bữa trưa anh em mình sẽ ghé vào quán cơm bình dân cho tiện công việc nhưng bây giờ mỗi suất cơm cũng phải 40 - 50 nghìn đồng mới đủ no. Trong khi tiền công ít ỏi, việc làm thiếu vì tác động của dịch bệnh COVID-19, chúng tôi đành mang cơm từ nhà đi, "tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy”.
Anh Nam còn có con nhỏ, ngoài các chi phí sinh hoạt thiết yếu, anh còn phải chi thêm khoản tiền sữa, tiền bỉm... Với mức thu nhập như hiện nay thì thực sự rất chật vật.
Giá các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thực phẩm tươi sống, sữa bột... đều tăng theo giá xăng dầu.
Trong xu thế chung của thị trường, chị Trần Thị Lam - kinh doanh bánh mì tại TP Hà Tĩnh chấp nhận phải tăng giá bán để duy trì được quán. Chị Lam cho hay: “Giá đầu vào tăng nhanh quá, thời gian đầu mình cũng cố gắng không dám điều chỉnh, sợ mất khách nhưng giờ thì đành chấp nhận. Buôn bán cũng ế ẩm hơn do khách hạn chế chi tiêu, tiền ship hàng trước mình miễn phí nay cũng phải lấy của khách từ 5 - 10.000 đồng tùy khoảng cách”.
Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, thực phẩm, hàng tiêu dùng… tăng cao trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp. Điều này đòi hỏi ngành chuyên môn, đơn vị liên quan cần xem xét, thực hiện nhiều giải pháp trong kiểm soát thị trường, điều hành giá để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.
Việc tăng giá xăng dầu đã dẫn tới áp lực tăng giá đối với tất cả các mặt hàng, từ nguyên liệu đến bao bì và thành phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, thời gian qua, do tác động của việc tăng giá xăng dầu đã dẫn tới áp lực tăng giá đối với tất cả các mặt hàng, từ nguyên liệu đến bao bì và thành phẩm, gia tăng áp lực, tăng chi phí lên hoạt động tiêu dùng của người dân. Đây là quy luật tất yếu của thị trường và có tính phản ứng dây chuyền khi sản phẩm đầu ra của ngành này lại là chi phí đầu vào của ngành khác.
Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các phương án nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu theo kế hoạch của UBND tỉnh; rà soát, đánh giá lại tình hình sản xuất, nguồn cung đối với một số sản phẩm như thịt lợn, bò, gia súc, thủy hải sản và rau, củ, quả.
Hiện nay, đơn vị đã cử cán bộ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để chủ động phương án, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh triển khai biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến; tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, xử lý các trường hợp lợi dụng để đầu cơ ép giá, găm hàng gây bất ổn thị trường.
Cùng với đó, sở làm việc với các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn để giữ ổn định giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá.