Lượng xe xuất bến tại bến xe Hà Tĩnh chỉ còn 30 chuyến mỗi ngày, giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Ảnh chụp sáng 16/2 (mùng 5 tết).
Sau gần 1 tuần trở về quê ăn tết cùng gia đình ở xã Phúc Đồng (Hương Khê), chiều 15/2 (mùng 4 tết Nguyên đán), chị Nguyễn Ngọc Lam cùng chồng và 2 người con trở lại TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho công việc đầu năm.
Do không đặt vé trước nên chị Lam lo lắng sẽ phải bắt xe dọc quốc lộ. Tuy nhiên, khi gọi điện cho một nhà xe chạy tuyến TP Hồ Chí Minh – Hà Tĩnh thì vẫn còn vé cho cả 4 người.
“Giá 1,2 triệu đồng/vé, tuy tăng so với ngày thường nhưng giờ có vé là được rồi, tránh cảnh bị nhồi nhét khi bắt xe dọc đường” - chị Nguyễn Ngọc Lam cho hay.
Cũng không đặt vé trước nhưng sáng 16/2 (mùng 5 tết), anh Nguyễn Hữu Nam (TP Hà Tĩnh) vẫn mua được vé ra Hà Nội với giá 280 nghìn đồng/vé cho 3 người trong gia đình. “Chừng này năm trước thì mình phải ra chờ đón xe dọc đường, còn năm nay khá bất ngờ vì vẫn còn vé. Việc mua vé đi về dịp Tết này “dễ thở” hơn nhiều” - anh Nam chia sẻ.
Khu vực bán vé ở bến xe khách Hà Tĩnh khá ảm đạm. Ảnh chụp chiều 15/2 (mùng 4 tết).
Hàng năm, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, nhất là từ mùng 3 trở đi, được cho là thời điểm “ăn nên làm ra” của các nhà xe bởi số lượng người đi lại tăng cao nhiều lần so với bình thường. Phần lớn hành khách là những người lao động, sinh viên trở lại các tỉnh, thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng… để làm ăn, học tập.
Thời điểm này những năm trước thường xảy ra tình trạng “cháy vé” khiến các hãng xe phải tăng cường thêm phương tiện mới đủ phục vụ. Nhiều người dân không mua được vé từ trước phải chật vật bắt xe dọc đường, chấp nhận việc giá vé cao, trong khi chất lượng phục vụ không tốt.
Lượng khách bắt xe dọc đường cũng giảm đi rất nhiều. Ảnh chụp ở chân cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh chiều 16/2 (mùng 5 tết).
Tuy nhiên, qua ghi nhận cho thấy, dịp tết Nguyên đán Tân Sửu này, việc đi lại của người dân khá dễ thở, chưa xảy ra tình trạng “sốt vé”. Người dân có thể mua được vé dù không đặt trước.
Những ngày này, bến xe Hà Tĩnh khá ảm đạm, lượng xe xuất bến không quá tấp nập. Các điểm bán vé ít người giao dịch, trong khi khu vực chờ chỉ có một số hành khách.
Khu vực gầm cầu vượt hay các quán hàng trên tuyến tránh TP Hà Tĩnh cùng với ngã tư Thạch Long hoặc dọc quốc lộ là các địa điểm mà trước đây thường tập trung lượng lớn người lao động, sinh viên bắt xe vào Nam, ra Bắc giờ cũng khá vắng vẻ.
Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh kiểm tra việc chấp hành trong phòng chống dịch Covid-19 ở bến xe Hà Tĩnh.
Qua tham khảo từ người dân, giá vé xe dịp tết thường tăng từ 1,2 – 1,5 lần so với ngày thường. Cụ thể, giá vé tuyến Hà Tĩnh đi các tỉnh phía Nam thường từ 600 – 800 nghìn đồng/vé thì nay tăng từ 1 triệu – 1,2 triệu đồng/vé; đi Huế, Đà Nẵng từ 180 – 200 nghìn đồng/vé nay tăng lên 250 - 280 nghìn đồng/vé; đi Hà Nội tăng lên 70 - 100 nghìn đồng/vé.
Ngoài đi xe khách, đi tàu, người dân cũng có thể lựa chọn đi máy bay từ sân bay TP Vinh (Nghệ An). Nếu như những năm trước thì đã hết vé, hoặc chỉ còn khung giờ muộn thì nay vẫn còn vé với nhiều khung giờ bay và giá thành không cao như dịp tết các năm trước.
Theo chia sẻ, các nhà xe chạy tuyến cố định Hà Tĩnh đi các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… lượng khách giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách bắt xe vào Nam, ra Bắc sau tết Nguyên đán giảm mạnh. Ảnh chụp chiều 15/2 (mùng 4 tết).
“Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến người về quê giảm rất nhiều, vì thế lượng khách đi cũng ít theo. Sau tết, một số tỉnh thành cho sinh viên nghỉ tết tới hết tháng 2 nên nhiều người hoãn, đổi vé nên số lượng đi lại càng giảm thêm” - Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh Bùi Phan Lương thông tin.
Ông Bùi Phan Lương thông tin thêm: Sau dịp tết Nguyên đán các năm trước, mỗi ngày có 80 – 100 lượt xe xuất bến nhưng nay chỉ còn khoảng 30 lượt xe. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho tới nay, vận tải hành khách là một trong những ngành gặp nhiều khó khăn nhất.
Cơ bản các đơn vị vận chuyển hành khách chấp hành tốt việc phòng chống dịch trong quá trình vận chuyển hành khách. Trong ảnh: Đại diện nhà xe Quốc Tuấn, chạy tuyến Hà Tĩnh - Hải Phòng ký cam kết phòng chống dịch Covid-19.
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Trần Toàn cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm tra việc chấp hành phòng chống dịch của các đơn vị vận tải hành khách.
Trong đó, chú trọng kiểm tra việc chấp hành đeo khẩu trang của lái xe, phụ xe, trang bị dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe hành khách, tẩy rửa xe sau mỗi chuyến đi, lấy thông tin và địa điểm lên xuống của hành khách phòng khi cần thiết…