Trang phục và nghi thức truyền thống
Khác với nhiều nước tiên tiến trên thế giới, Nhật Bản rất coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Ở đất nước đa tôn giáo này, có nhiều ngôi chùa thờ Phật, thờ Thần đạo (người dân Nhật xưa cho rằng đất, núi, sông, suối, biển… đều có thần) và thờ thánh.
Người dân Nhật cũng rất cung kính Nhật Hoàng, coi dũng sĩ Samurai, một biểu tượng của sự trung thành, là thần tượng. Ở các chùa cũng có các nghi lễ như cầu an, xóc thẻ… Nhưng, điều khác biệt ở các ngôi chùa này so với Việt Nam là vô cùng trật tự và sạch sẽ.
Phong cảnh chùa Vàng ở Kyoto
Ấn tượng nhất của tôi khi đến ngôi chùa Tai tô-Asakusa ở Tokyo, Chùa Vàng, đặc biệt là chùa Thanh Thủy ở Kyoto là gần như 100 % nam thanh nữ tú, các bà các cô đều mặc trang phục truyền thống đi chùa: Kimono nam và nữ. Một số cháu bé người Nhật cũng được bố mẹ cho mặc trang phục may theo cỡ nhỏ.
Học sinh các trường được giáo viên dẫn đi thì mặc theo đồng phục các trường. Có thể dễ dàng phân biệt khách du lịch với người Nhật Bản khi nhìn vào trang phục.
Người dân Nhật Bản thích mặc Kimono đi chùa
Chùa Thanh Thủy là ngôi chùa - theo quan niệm - dành cho việc cầu duyên, cầu tình yêu nên có rất đông các chàng trai cô gái đến đây. Họ có thể đi từng đôi với nhau, cũng có thể riêng lẻ, hoặc theo từng nhóm. Ngày nắng đẹp, sắc phục Kimono rực rỡ như một vườn hoa khổng lồ đủ màu sắc.
Cũng có những cặp đôi là khách nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản lâu năm đến để kỷ niệm ngày cưới và cầu nguyện cho tình yêu.
Rực rỡ những bộ quần áo Kimono trước cổng chùa Thanh Thủy
Bất kể ai, khi đã đến với các điểm tâm linh ở Nhật Bản đều phải xếp hàng thực hiện các nghi lễ: rửa tay, thắp hương ở bên ngoài và vào trong đền tung đồng xu, sau đó chắp tay cầu nguyện. Việc rửa tay cũng phải rất cẩn trọng: tay phải cầm gáo múc nước (hoặc hứng nước) dội sạch tay trái và làm ngược lại, sau đó rửa mặt. Hương thì chỉ dài bằng gang tay, to gấp đôi điếu thuốc lá, châm vào bồn nhôm nóng (để tránh khói, nhất là nơi đông người), sau đó ném vào lư hương, lấy tay phẩy nhẹ cho hơi lửa vào người.
Thực hiện nghi lễ rửa tay trước khi vào đền
Trong chùa, đồng xu được tung vào các thanh gỗ, sao cho nẩy lên và phát ra tiếng kêu, kỵ nhất là ném vào khoảng không giữa các thanh gỗ. Việc khấn nguyện cũng không thành tiếng. Vậy nên các ngôi chùa đông đúc mà không ồn ào. Còn ngoài sân vườn, các nam thanh nữ tú có thể chuyện trò vãn cảnh vui vẻ.
Hôm chúng tôi đến, các chùa, đền đều đông nghịt nhưng du khách không bị ngạt thở bởi khói hương. Ở những nơi chật hẹp, du khách xếp hàng để thực hiện nghi lễ tung đồng xu và bái Phật. Việc thực hiện các nghi lễ này không quá lâu, tuần tự và nhường nhịn nhau nên không quá mất thời gian. Du khách đều tự mình thực hiện các hành vi. Cũng có khu vực dành cho người hành lễ tự xóc thẻ, lấy quẻ và mua tờ dịch cho mình. Tất cả diễn ra trong trật tự.
Du khách tham quan thành cổ Oasaka
Dạy trẻ ứng xử với di tích
Ấn tượng nhất với tôi ở các địa chỉ tâm linh và di tích của Nhật Bản là hình ảnh từng đoàn học sinh đủ mọi cấp học được giáo viên đưa đi tham quan các di tích. Trước khi vào chùa, đền, thành cổ, học sinh đều được giáo viên giới thiệu về lịch sử di tích, hướng dẫn cách thức thực hiện các nghi thức ở đây và chắc chắn có cả việc dạy các em không được xả rác ra môi trường.
Thầy giáo hướng dẫn các em tham quan di tich và thực hiện nghi lễ
Với học sinh nhỏ tuổi, chủ yếu giáo viên cho các em đi dã ngoại, dạy các em thực hành nghi lễ để biết sau này thực hiện. Số học sinh lớn tuổi tự mình thực hiện nghi lễ cũng không nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn là các em đã thuộc nằm lòng cách ứng xử với di tích.
Học sinh đi nhiều, song không để một cọng rác nhỏ nào rơi rớt lại ở các khu di tích. Thành cổ Osaka rộng lớn đến mấy héc-ta, vậy mà liếc mắt bao quát bốn phía, tôi không thể nào tìm thấy một mẩu giấy loại, vỏ hộp sữa, vỏ chai nước lọc, bao bóng vứt ra…
Cách đốt hương ở chùa Taito-Asakusa, Tokyo
Siết chặt quản lý tại các đền, chùa ở Việt Nam
Khi viết những dòng này, tôi chợt liên tưởng đến những ngôi chùa nghi ngút khói hương, cảnh rì rầm to nhỏ tiếng khấn, tiếng những thanh đồng, cô đồng và thầy lễ với những bài cúng “có văn có vần” dài dằng dặc ở Việt Nam. Rồi những đống lửa lớn hóa vàng mã cháy rừng rực, những chồng mâm lễ gác chồng chất lên nhau. Lại còn chuyện “cướp ấn” “cướp lộc”...
Cướp phết ở lễ hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ). Ảnh internet
Năm cũ sắp hết, không biết những người may mắn “cướp” được lộc năm ngoái năm nay thế nào? Những ai không “cướp” được và không đi ‘cướp” thì có “lộc” không? Rồi rác thải sau những lễ hội lớn tại các di tích...
Từ bài học của một cường quốc như Nhật Bản, một đất nước đang thu hút hơn 495 ngàn người Việt Nam đến sinh sống, học tập và làm việc, thiết nghĩ, chính quyền các cấp và ngành VH-TT&DL cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý tại các di tích nhằm bảo vệ di sản vật thể và tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho chính người dân.