Tết năm nay tổ chức các cuộc vui như thế nào để không vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt? Thay thế chén rượu chúc Tết bằng đồ uống gì cho hợp lý? Những câu hỏi đó đã được các gia đình cân nhắc và tìm phương án để có cái tết vui tươi, an toàn.
“Tôi đã chuẩn bị một bộ ấm trà đẹp, gói trà ngon cùng tấm lòng hiếu khách đầu xuân, hy vọng rằng có thể thay thế chén rượu tết, cùng mọi người đón mừng năm mới an toàn, lành mạnh” - ông Hồng bộc bạch.
Là cán bộ quân đội về hưu, ông Phan Công Hồng (SN 1961) ở tổ dân phố Hưng Lợi, phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh nhận thức rõ việc chấp hành quy định của luật mới.
Ông cho rằng không chỉ tránh rượu bia khi tham gia giao thông hằng ngày mà ngay với dịp tết cũng cần thay đổi thói quen uống rượu, bia để chúc nhau, nhất là khi Nghị định 100 có hiệu lực.
“Một bộ ấm chén đẹp, gói trà ngon cùng tấm lòng hiếu khách đầu xuân, tôi hy vọng rằng có thể thay thế chén rượu chúc tụng nhau để bạn bè, người thân đón mừng năm mới an toàn, lành mạnh” - ông Hồng bộc bạch.
Bộ ấm trà mới được gia đình ông Hồng chuẩn bị dành cho Tết năm nay thay vì chén rượu như những năm trước
Gia đình anh Lê Đình Thuần (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) đã quyết định lắp dàn karaoke mới để phục vụ dịp tết, tránh việc tập trung “chén chú chén anh” xong rồi rủ nhau đi quán hát karaoke. Anh Thuần chia sẻ: “Năm nay tôi đã bàn với vợ mua hẳn dàn karaoke về nhà. Sau cuộc rượu, anh em, bạn bè ngồi lại hát hò, quây quần tại nhà cũng có cái vui mà an toàn, đỡ lo lắng bị phạt vi phạm nồng độ cồn…”.
Anh Lê Đình Thuần (áo sọc) mua dàn karaoke giải trí dịp tết
Còn với gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng (thôn Hà Cát, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ), tết năm nay cũng thật khác với mọi năm, khi nồi rượu đã được bớt đi hơn phân nửa.
Ông Dũng cho hay: “Giờ có ai dám uống rượu khi lái xe nữa đâu, kể cả mời mọc thân tình thì cũng cầm ly chúc nhau, nhấp chén cho có không khí. Mọi năm nhà tôi có thể nấu cả mấy chục lít rượu ngon để cất cho dịp Tết, nhưng từ năm nay chỉ nấu vừa đủ cúng ông bà tổ tiên và cất vài chai cho có không khí Tết thôi…”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng chia số rượu mới nấu sang chai nhỏ để dành cho việc cúng đơm ngày Tết (Ảnh: Khánh Thành)
Gia đình anh Dương Ngọc Hùng và chị Trần Thị Thìn (phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh) đang tất bật chuẩn bị đồ để về quê nội ăn Tết, cách nhà của anh chị tầm 30km. Về quê uống chén rượu chúc tết các cụ là khó tránh khỏi, nên năm nay anh Hùng để vợ lái xe cho an toàn, vừa không vi phạm luật.
“Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác cũng phải sử dụng phương pháp “người thân cứu trợ” này, chứ kiểu uống đôi ba chén xong mà lái xe vừa nguy hiểm, mất tiền, vừa bị tước bằng lái, tạm giữ phương tiện thì phức tạp lắm”- anh Hùng chia sẻ.
Về quê uống chén rượu chúc Tết các cụ là việc khó tránh khỏi, nên năm nay gia đình anh Hùng thống nhất để vợ cầm lái (Trong ảnh: Chị Thìn đang dọn rửa lại xe trước khi cả nhà về quê ăn Tết)
Bao năm nay, hình ảnh các bữa tiệc đoàn viên của các gia đình Việt dịp tết luôn gắn liền với tiếng “dzô dzô”, tiếng cốc chén chạm lanh canh... Nghị định 100 đang “bén rễ” trong đời sống, đã giúp mỗi người thay đổi thói quen uống rượu, thay đổi hoàn toàn ý thức tham gia giao thông cũng như cách thức sắp xếp một bữa tiệc đoàn viên vui vẻ, lành mạnh.