Người mắc bệnh tim mạch ở Hà Tĩnh tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe

(Baohatinh.vn) - Những người có bệnh lý nền, nhất là bệnh về tim mạch sẽ có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc COVID-19. Chính vì vậy, các bác sỹ ở Hà Tĩnh khuyến cáo người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ quy định 5K, luôn sử dụng và dự phòng đầy đủ thuốc theo đơn.

Bệnh nhân BN294062 mắc COVID-19 vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn) ngày 18/8/2021 có tiền sử hở van tim 2 lá. Xác định những nguy hiểm tiềm ẩn cho bệnh nhân nên các bác sỹ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình trạng sức khỏe. Nhờ tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị nên trong quá trình chữa COVID-19 đã không xảy ra các triệu chứng nguy hiểm. Đến nay, bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện.

Người mắc bệnh tim mạch ở Hà Tĩnh tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe

Bác sỹ Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) kiểm tra tình trạng bệnh cho một bệnh nhân.

Hiện nay, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cũng đang điều trị COVID-19 cho bệnh nhân BN336770 vốn có tiền sử mổ thay van tim. Với bệnh nhân này, các bác sỹ của Bệnh viện Phổi phải tích cực phối hợp với các bác sỹ của Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) theo dõi và cập nhật thường xuyên tình hình sức khỏe để có phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân nhập viện ngày 21/8/2021, hiện nay, tình hình sức khỏe vẫn đang ổn định.

Đây là 2 bệnh nhân COVID-19 có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch, được các y bác sỹ tận tình chăm sóc, điều trị. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã phải chuyển 3 bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý về tim mạch ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Người mắc bệnh tim mạch ở Hà Tĩnh tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe

Các bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch nếu bị nhiễm COVID-19 sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Bác sỹ Phạm Hữu Đà - Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Những người mắc các bệnh lý về tim mạch thường có các cơn đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi vì chức năng tim suy yếu. Nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì lại càng khó thở hơn, bệnh diễn biến nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn hơn so với người bình thường”.

Thời gian qua, Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã phối hợp với các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn tỉnh làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân vừa nhiễm COVID-19 vừa mắc bệnh lý nền về tim mạch.

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các bác sỹ đã sử dụng hình thức khám chữa bệnh trực tuyến. Các bác sỹ tại các cơ sở điều trị COVID-19 sẽ gửi kết quả cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, hình ảnh điện tim, X.quang… và các thông tin lâm sàng về bệnh nhân qua Zalo. Thông qua các kết quả cận lâm sàng và lâm sàng, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như tuyến trên sẽ có những tư vấn kịp thời, phù hợp về phác đồ điều trị.

Người mắc bệnh tim mạch ở Hà Tĩnh tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe

Bác sỹ Phạm Hữu Đà - Trưởng khoa Tim mạch tư vấn trực tuyến việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tỉnh.

Thời gian qua, tại Việt Nam, nhiều người tử vong do COVID-19 có tiền sử mắc các bệnh nền, trong đó có bệnh lý về tim mạch.

“Lý do người bệnh tim mạch mắc COVID-19 tử vong cao là bởi khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt bệnh tim tiềm ẩn, gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim, dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp tính, suy tim cấp” - bác sỹ Phạm Hữu Đà - Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết.

Hiện nay, bệnh tim mạch rất phổ biến, theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày, đơn vị khám, chữa bệnh ngoại trú cho 100 đến 130 người có các bệnh lý về tim mạch. Khoa Tim mạch mỗi ngày tiếp nhận 20 đến 30 bệnh nhân vào điều trị.

Vào Khoa Tim mạch để khám theo định kỳ, ông Nguyễn Thế Thành (61 tuổi, ở Lộc Hà) cho biết: “Tôi bị bệnh mạch vành đã lâu nên ngoài việc đi tầm soát tim theo định kỳ thì còn tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sỹ - không ăn quá mặn, nhiều chất béo, chất ngọt, rèn luyện thể thao thường xuyên. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh nhiều nguy cơ nên thời gian gần đây, tôi cũng hạn chế đi ra ngoài, chủ yếu vận động trong nhà để giữ gìn sức khỏe”.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thời điểm này, những người mắc bệnh lý về tim mạch ở thể nhẹ, chưa phải đến nhập viện điều trị cần hạn chế tối đa ra ngoài, luôn đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh nhà cửa. Cần ổn định nhịp tim, huyết áp và các triệu chứng đau ngực, khó thở, phù … cũng như xử lý tốt các bệnh đi kèm. Thêm vào đó, cần sử dụng và dự phòng đầy đủ thuốc theo đơn của bác sỹ, kể cả khi các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm cũng không nên tự ý giảm liều hay bỏ thuốc.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.