Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tháng đạt 361.100 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017, song loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 8,38%.
Theo các chuyên gia thống kê, các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất, nhờ đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 272.000 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Riêng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt gần 45.100 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Một số địa phương có doanh thu tăng khá so với cùng kỳ, đứng đầu là Quảng Ninh tăng 29,9%, Thanh Hóa tăng 15,2%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,9%, Hà Nội tăng 8,5%.
Theo Báo cáo, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống nâng cao là do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao đồng thời dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng trong những ngày đầu năm mới.
Thêm vào đó, doanh thu từ du lịch lữ hành đạt hơn 3.900 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 39,3% so với cùng. Ninh Bình là địa phương thu hút du lịch tăng trưởng tốt nhất, với mức tăng 75,7% so với cùng kỳ, tiếp đến Quảng Ninh tăng 45,8% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 44,1%.
Ngoài ra, doanh thu dịch vụ khác đạt gần 40.100 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ.
“Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng đạt khá chủ yếu do tác động tích cực của các chính sách, biện pháp thu hút khách du lịch và các chiến lược xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam,” nhóm tác giả đánh giá./.