Nguy cơ tranh chấp đất rừng khi “hai người một bìa đỏ” ở huyện miền núi Vũ Quang
Cách làm này dẫn tới nguy cơ phát sinh các vụ khiếu kiện, tố cáo về đất rừng - vốn là vấn đề khiến cho nhiều cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đau đầu nhiều năm nay.
Nhiều năm trước, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố chuyển về cho UBND xã Sơn Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) quản lý 893 ha đất rừng. Từ số diện tích này, vào cuối năm 2013, thực hiện đề án “Giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp”, xã Sơn Thọ đã cắt 130 ha giao mới cho 55 hộ dân.
Tuy nhiên, số hộ dân trên thực tế được nhận giao đất, giao rừng lớn hơn nhiều. Nguyên nhân là do UBND xã Sơn Thọ đã đồng ý để 2, thậm chí 3 hộ dân cùng sử dụng một lô đất rừng, trong khi sổ đỏ đất lâm nghiệp thì chỉ có 1 hộ dân đứng tên.
Hộ ông Trần Đình V. cùng một hộ dân ở thôn 6, xã Sơn Thọ đồng sở hữu 2,6 ha đất rừng ở khu vực Khe Trốn Cựa, trong khi sổ đỏ đất lâm nghiệp đứng tên ông V. “Có nhiều hộ dân muốn nhận đất rừng trong khi số diện tích lại không đủ, mà theo quy định phải từ 2 ha trở lên mới được cấp sổ đỏ. Các hộ dân phải họp đi họp lại nhiều lần để quyết định “ai bắt cặp với ai”, và ai là người đứng tên trong sổ đỏ. Các cuộc họp có sự chứng kiến của đại diện thôn” - ông V. cho biết.
Theo ông V., sau khi thống nhất lựa chọn được những hộ chung lô đất rừng thì họ sẽ làm tờ “Đơn xin cam kết bốc thăm đất rừng”, trong đó có các quy định như: Ai sẽ là người đứng tên sổ đỏ; cam kết không để xảy ra tranh chấp; nếu có khúc mắc thì 2 gia đình tự giải quyết chứ không được khiếu kiện…
Tương tự là trường hợp của 2 hộ dân Bùi Đắc Th. và Nguyễn Xuân N. (thôn 6, xã Sơn Thọ) cũng canh tác chung trên một lô đất rừng. Theo như trong “Đơn xin cam kết bốc thăm đất rừng”, ông Bùi Đắc Th. là người đứng tên làm sổ đỏ.
Bản cam kết viết tay giữa các hộ dân sử dụng chung thửa đất rừng
Qua tìm hiểu, trong số 55 hộ dân ở xã Sơn Thọ được giao đất, giao rừng từ số diện tích 130 ha thì có tới 38 trường hợp sử dụng chung một thửa đất rừng. Tình trạng này còn diễn ra ở một số xã của huyện Vũ Quang.
Một cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Tĩnh cho biết, không có quy định nào về việc nếu diện tích giao đất, giao rừng dưới 2 ha/hộ thì không được cấp sổ đỏ. “Hiện giờ thì chưa có vấn đề gì, nhưng nếu người đứng tên sổ đỏ qua đời thì con cái họ sẽ thừa kế tài sản, trong đó có cả số diện tích đất rừng này. Lúc này, bản cam kết viết tay kia gần như không có tác dụng, dẫn tới hộ dân còn lại không có quyền lợi gì với số đất rừng lâu nay canh tác. Cách làm này của các địa phương dẫn tới nguy cơ phát sinh các vụ khiếu kiện, tố cáo về tranh chấp đất rừng” - vị cán bộ này nhận định.
Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng 2-3 hộ dân sử dụng chung một lô đất rừng mà sổ đỏ chỉ đứng tên một hộ, ông Nguyễn Đăng Nhàn – Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ cho biết, khi xét duyệt giao đất, giao rừng thì số lượng các hộ muốn canh tác nhiều, trong khi diện tích ít. Từ đây, các hộ dân thỏa thuận “ngầm” để sử dụng chung một lô, chỉ tới khi cấp sổ đỏ thì xã mới phát hiện ra.
Thừa nhận khả năng xảy ra khiếu kiện, tố cáo sau này là có, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ Nguyễn Đăng Nhàn cho rằng, xã đã tuyên truyền các hộ phải đảm bảo tính an toàn trong sử dụng đất rừng và các hộ cam kết không xảy ra tranh chấp trong quá trình canh tác.
Trưởng phòng TN&MT huyện Vũ Quang Trần Hữu Long chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh
Trưởng phòng TN&MT huyện Vũ Quang Trần Hữu Long cho hay: “Sau khi nắm bắt được thông tin, chúng tôi đã yêu cầu xã Sơn Thọ báo cáo cụ thể nội dung. Khi có kết quả, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh các tranh chấp, khiếu kiện sau này”.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, không quá khó khăn để giải quyết tình trạng nêu trên. Nếu có nhu cầu, người dân làm đơn gửi lên chính quyền địa phương rồi căn cứ theo các quy định để tiến hành tách sổ đỏ hoặc ghi thêm tên trong bìa đã cấp.
Tuy nhiên, do chưa được hướng dẫn cụ thể, tình trạng 2 - 3 hộ dân sử dụng đất trên cùng sổ đỏ tại Sơn Thọ vẫn tồn tại nhiều năm nay. Và, nếu tình trạng này không được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm, nguy cơ tranh chấp đất đai luôn hiện hữu.