Nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc: “Nếu tâm không sáng thì con chữ làm sao sáng được”

(Baohatinh.vn) - “Vinh quang nhất của người làm báo là có tác phẩm hay, bài báo ấy viết ra phải có lợi cho dân, cho Đảng. Điều quan trọng, cái tâm người làm báo phải sáng, nếu tâm không sáng thì con chữ làm sao sáng được”. Điều ông Trần Văn Trạc – nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh nói, chắc không bao giờ cũ đối với các thế hệ cầm bút.

Nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc: “Nếu tâm không sáng thì con chữ làm sao sáng được”

Nhà báo Trần Văn Trạc- Nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh (1972-1983) (Ảnh: Tư liệu)

Ông Trần Văn Trạc sinh ngày 27/5/1925 tại xóm Cầu Thượng, xã Trung Lạc (nay là xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) trong một gia đình nông dân thuộc lớp “kinh tế hộ” khá nhất làng thời bấy giờ. Bố ông là Trần Hữu Khiêu, thuở nhỏ được ông thầy đồ kèm cặp nên biết nhiều chữ Hán, coi trọng sự học. Gia đình ông được cán bộ Việt Minh đến giác ngộ, sau đó đã trở thành điểm bí mật nuôi dấu cán bộ hoạt động trong buổi đầu cách mạng còn trứng nước.

Bà Lương Thị Bân, mẹ ông Trạc, lúc bấy giờ là một phụ nữ không chỉ biết san sẻ phần gạo, phần khoai nuôi những người cộng sản, mà còn xả thân vì nghĩa lớn. Năm 1946, bà Bân được kết nạp Đảng, rồi được cơ cấu làm bí thư chi bộ của Hội Phụ nữ xã Trung Lạc.

21 tuổi, ông Trạc đã "say men" lý tưởng cách mạng, không ai khác từ chính tác động người mẹ đẻ. Bà Bân đã bí mật giao nhiệm vụ cho ông từng gói truyền đơn, đi rải từ làng trên, xuống xã dưới. Rồi chàng thanh niên Trần Văn Trạc được 2 người cán bộ của Đảng kết nạp vào thành viên Mặt trận Việt Minh. Sau 3 năm thử thách, đến năm 1949, chi bộ đã kết nạp ông vào Đảng.

Ông Trạc kể, hồi ấy cán bộ xã biết Trạc “văn hay chữ tốt” nên đã giao nhiệm vụ vừa viết tin địa phương, vừa nghe đài, đọc báo Đảng để tổng hợp tình hình. Sau đó, mỗi chiều lại trèo lên cây đa làng đọc cho bà con nghe.

Nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc: “Nếu tâm không sáng thì con chữ làm sao sáng được”

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Giám đốc Sở TT-TT Phan Tấn Linh chúc mừng nhà báo Trần Văn Trạc nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (Ảnh: Tư liệu)

Hoạt động ở xã một thời gian khá dài, Trần Văn Trạc được Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên phát hiện “nhân tố” cần đào tạo nên điều về làm cán bộ tổng hợp Văn phòng Huyện ủy. Lúc ấy cán bộ rất ít, ông trẻ và khỏe, làm việc chẳng bao giờ có một giấc ngủ trưa...

Năm 1952, ông Trần Văn Trạc được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Huyện ủy Cẩm Xuyên. Năm 1957, ông được tổ chức điều chuyển sang làm Trưởng phòng Thông tin - Văn hóa huyện Cẩm Xuyên. Năm 1960 được Tỉnh ủy Hà Tĩnh xét chọn và gửi đi đào tạo lớp phóng viên báo chí tại Trường Đại học nhân dân Hà Nội (tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Kết thúc khóa học, ông Trần Văn Trạc trở về làm phóng viên Báo Hà Tĩnh - tờ báo mang dòng chữ “Tiếng nói của Đảng bộ và chính quyền nhân dân Hà Tĩnh” dưới măng sét. Tổng Biên tập tờ báo Hà Tĩnh lúc đó là ông Võ Trọng Cúc, Thư ký tòa soạn anh Phạm Hồ. Cả tòa soạn và phóng viên lúc ấy chưa tới chục người, nên cả việc đưa bài và chấm lỗi, sửa mo rát tại nhà in, thủ trưởng và phóng viên đều thay nhau làm.

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Ban biên tập, phóng viên Trần Văn Trạc được phân công viết bài phóng sự về điển hình nông nghiệp trong hợp tác xã. Đối với ông, đây là lần thử sức đầu tiên của nghề báo. Để tìm một điển hình hay nhất trong các điển hình, ông Trạc tìm đến Ty Nông nghiệp Hà Tĩnh, nhờ một kỹ sư nông nghiệp tư vấn giúp. Và ông đã bươn bả vào Kỳ Phong (Kỳ Anh) ra Kim Lộc (Can Lộc) tìm hiểu nhân tố theo ngành nông nghiệp giới thiệu. Phóng sự: “Đại Thanh thêm mùa lúa mới" sau khi báo Hà Tĩnh đăng đã được ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy khen hay.

Nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc: “Nếu tâm không sáng thì con chữ làm sao sáng được”

Nguyên Tổng biên tập Trần Văn Trạc (người đứng giữa) cùng các lãnh đạo báo Hà Tĩnh qua các thời kỳ hội ngộ trong dịp kỷ niệm 35 năm tờ báo ra số đầu tiên (Ảnh: Tư liệu)

Ông Trạc càng kể, càng say sưa hào hứng, những ký ức làm báo thời trai trẻ, đẹp tựa hoa hồng, cứ thế ào ạt chảy theo dòng tâm sự. Tôi im lặng ngồi nghe, ông Trạc nói: “Nếu bây giờ chú chịu khó tra cứu tài liệu, thì bài báo “Ngôi sao sáng trên công trường Đá Cát” đăng trên báo Hà Tĩnh chắc vẫn còn lưu giữ ở thư viện”. Đấy là bài báo viết về một đội thanh niên trẻ Hoa Lộc trong chiến dịch thủy lợi Bồng Sơn, do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phát động. Vào công trường đang thi công tại Kỳ Trinh để thâm nhập thực tế là chuyến đi đầy vất vả, nhưng mãi không phai mờ trong ký ức của nhà báo Trần Văn Trạc.

Khi tới Kỳ Trinh thì trời đã chập choạng tối, đường tới công trường còn xa, lúc này bụng đã đói cồn cào, hai chân đạp xe đạp mỏi rã rời. Ông Trạc bèn tìm tới một ngôi nhà ở gần đường QL1A xin nghỉ nhờ.

Đường vào Kỳ Trinh không thể đi xe đạp được, đẩy xe vào cũng khó, vì tất cả công trường đầy đất, đá ngổn ngang… Thế là chàng phóng viên báo Đảng trẻ tuổi gửi xe đạp, mang cặp và cuốc bộ tới công trường. Tới công trường Đá Cát, ông Trạc đã “bám chân” anh đội trưởng, đi từ sáng suốt tới chiều, xem từng khối đất, khối cát, hỏi và ghi chép tỷ mỷ từng người cầm ven đến người khiêng đất, khiêng đá. Hai đêm liền, ông Trạc đã hòa nhập văn nghệ với tiếng hát thanh niên trên công trường.

Từ công trường, trở về tòa soạn Báo Hà Tĩnh, ông đóng cửa phòng hai ngày ròng rã, say sưa viết tới mức quên cả giờ ăn cơm bếp tập đoàn.

Nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc: “Nếu tâm không sáng thì con chữ làm sao sáng được”

Ban Biên tập Báo Hà Tĩnh trao đổi nghiệp vụ với các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo báo các thời kỳ (Ảnh: Tư liệu)

Bài báo đăng trên Báo Hà Tĩnh đã được Bác Hồ đọc. Từ thủ đô Hà Nội, Bác đã điện cho ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh về điển hình này. Bác nói ngay trên điện thoại: “Bác đã đọc bài “Ngôi sao sáng trên công trường Đá Cát”, đề nghị tỉnh cho người thẩm tra lại. Nếu điển hình đúng như báo nêu, Bác sẽ tặng bằng khen cho đội này”. Cán bộ tỉnh xuống kiểm tra thực tế và tập thể Đội thủy lợi Hoa Lộc đã được Bác Hồ tặng bằng khen.

Hôm tỉnh Hà Tĩnh làm lễ tuyên dương Đội thủy lợi Hoa Lộc và đón nhận bằng khen của Bác Hồ, ông Nguyễn Tiến Chương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói vui: “Chiếc bằng khen này các chú phải chia vinh dự cho phóng viên Trần Văn Trạc một nửa”.

Cuộc đời làm báo của ông Trạc và đồng nghiệp theo dòng ký ức của ông, gian khổ lắm, nhưng lại tràn ngập tình đồng nghiệp, tình yêu thương đùm bọc của nhân dân. Những ngày đội bom, đạn đến cầu Phủ núi Nài đưa tin, viết bài, sự nguy hiểm khốc liệt của chiến tranh luôn rập rình, nhưng ông Trạc vẫn thấy thanh thản, hào hứng và vững tin ở chiến thắng. Rồi những đêm ngồi dưới hầm trú ẩn chong đèn thức thâu đêm hì hục để có bài, tin cho báo Hà Tĩnh ngày mai lên khuôn. Lại còn nhiều buổi đến đài phát thanh đọc bài mình trực tiếp ở phòng bá âm.

Nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc: “Nếu tâm không sáng thì con chữ làm sao sáng được”

Nhà báo Trần Văn Trạc gặp gỡ đồng nghiệp dịp kỷ niệm 50 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu tiên - năm 2012 (Ảnh: Tư liệu)

Có những chuyện bây giờ ngẫm lại, ông vẫn cười thầm một mình. Đó là đêm cùng anh Võ Trọng Cúc đạp xe đạp ra Hà Nội họp. Lúc qua Cầu Cấm (Nghệ An), máy bay Mỹ ném bom dữ quá, ngồi nấp dưới mương quá lâu. Khi máy bay địch rút lui lúc đó đã hai giờ sáng. Ông Cúc lúc này đuối sức, không thể đạp xe được nữa. Bỗng ông Trạc phát hiện thấy cách đường quốc lộ khoảng 500 mét có một nhà kho chứa phân phốt phát của hợp tác xã. Thế là hai ông tìm tới để nghỉ sức.

Ông Cúc vốn tính rất cẩn thận, ngủ nhưng sợ mất xe đạp nên bảo ông Trạc đưa vào kho và tìm dây cột xe bên cột nhà. Khi ông Cúc đang rọi đèn pin để ông Trạc thao tác thì đột nhiên nhóm dân quân tuần tra trong vùng ập tới, định áp giải về xã. Cả ông Trạc và ông Cúc đưa giấy tờ cho họ xem và thành thật nói “Muốn vào kho chợp mắt tý vì đi đường mệt quá”. Khi thấy cả hai ông đều có thẻ nhà báo đỏ chót, họ mời về nhà chủ tịch xã ngủ. Sáng mai, trước lúc đi, nhà ông chủ tịch xã còn nấu cháo gà chiêu đãi.

Bất chợt tôi hỏi ông Trạc: “Bác đã từng là Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh (1972-1983), nhưng bác lại kể nhiều về chuyện đi và viết, chưa kể đến chuyện bác làm lãnh đạo nhỉ?”. Ông cười vui: “Làm báo đâu phải làm lãnh đạo là vinh quang. Vinh quang nhất của người làm báo là có tác phẩm hay, bài báo ấy viết ra phải có lợi cho dân, cho Đảng. Mà muốn đạt được bài báo hay phải đi nhiều, đọc nhiều và có đôi mắt nhìn đúng sự thật khách quan. Điều quan trọng cái tâm người làm báo phải sáng, nếu tâm không sáng thì con chữ làm sao sáng được”.

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.