Những dự án “bánh vẽ”!
Hơn 9 năm trước, dự án Bệnh viện Đa khoa tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh được khởi công trong sự phấn khởi và kỳ vọng của người dân địa phương về một bệnh viện hiện đại, với mức đầu tư lên tới 227 tỷ đồng. Thế nhưng, đã gần một thập kỷ đi qua, dự án này vẫn "án binh bất động". Gần 3,2 ha đất của dự án không phát huy tác dụng, cỏ dại hoang hóa trong khi quỹ đất của địa phương không còn nhiều.
Khu đất hoang hóa, đầy cỏ dại của Bệnh viện Đa khoa tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh
Tại cuộc tiếp xúc cử tri vào cuối tháng 6/2019, ông Mai Văn Dy - Chủ tịch UBND xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) kiến nghị: "Việc nhà đầu tư không thực hiện đúng như cam kết ban đầu đã dẫn tới sự lãng phí rất lớn về đất đai nên rất mong các cấp, ngành nhanh chóng có phương án thu hồi. Đây cũng là ý nguyện của bà con cử tri địa phương đã được nêu lên tại nhiều cuộc tiếp xúc”.
Cũng “vẽ đẹp nhưng làm không đẹp”, Khu du lịch sinh thái biển Xuân Hội tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) do Công ty CP Tư vấn và xây dựng An Giang Dragon Hà Tĩnh làm chủ đầu tư đến nay bị xếp vào nhóm chậm tiến độ.
Đến nay, dự án Khu du lịch sinh thái biển Xuân Hội chỉ mới triển khai công tác kiểm đếm giải phóng mặt bằng.
Trước đó, năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 395 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này với diện tích 99 ha, tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến 1.261 tỷ đồng. Theo tiến độ được phê duyệt, giai đoạn 1 từ tháng 1/2017 đến hết quý I/2018, dự án phải hoàn tất các thủ tục đầu tư; giai đoạn 2 từ quý 2/2018 đến hết quý I/2020, tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục…
Tuy nhiên, đến nay đã qua quý II/2019 nhưng "Khu quy hoạch dự án chỉ mới đang triển khai công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng" - ông Trần Sông Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết.
Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ vẫn chưa rõ hình hài.
Đó chỉ là một vài minh chứng cho hàng trăm dự án đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn. Trong tổng số 420 dự án chậm tiến độ, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực du lịch và các dự án đầu tư phát triển đô thị với quy mô, diện tích sử dụng đất lớn. Một vài dự án lớn chậm tiến độ có thể “chỉ mặt, điểm tên” như: Dự án tổ hợp khu sân golf, dịch vụ nhà ở và trường đua chó tại xã Xuân Thành; khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lộc Hà của Công ty CP Quốc tế Lộc Hà; khu đô thị Xuân Thành Land tại phường Nguyễn Du; đô thị Bắc TP Hà Tĩnh; Khu đô thị Nam cầu Phủ…
Nguyên nhân vì đâu?
Ông Nguyễn Bá Long – Trưởng phòng Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở KH&ĐT) cho biết: “Phần lớn chậm tiến độ là các dự án trong lĩnh vực không thuộc đối tượng nhà nước thu hồi đất mà nhà đầu tư phải tự thỏa thuận giá bồi thường với người dân nên mất rất nhiều thời gian để làm công tác này. Từ đó, dẫn đến thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng chậm so với thời gian dự kiến”.
Khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh được liệt vào danh sách dự án chậm tiến độ
Tuy vậy, nguyên nhân cốt lõi được xác định là năng lực tài chính thực tế và tiến độ huy động vốn của các nhà đầu tư… có vấn đề. Theo đó, giữa kế hoạch đề ra trong nội dung dự án và văn bản cam kết ban đầu so với thực tế triển khai khác xa nhau.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư chưa nắm vững quy trình thủ tục thực hiện dự án dẫn đến “đi tắt, đón đầu”, “cầm đèn chạy trước ô tô” và những sai phạm trong quá trình triển khai là điều đã xảy ra. Theo báo cáo của ngành chức năng, những trường hợp vi phạm thường là: Thi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường; xây dựng sai quy hoạch được duyệt… Và, sau khi bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm thì nhà đầu tư lại phải tạm dừng dự án để khắc phục…
Cỏ lút người, cảnh vật hoang tàn tại dự án Khu đô thị Xuân Thành Land (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh).
Mặc dù những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung kiểm tra, rà soát các dự án sau khi được chấp thuận nhưng công tác này vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời có phương án xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc đôn đốc nhà đầu tư đảm bảo tiến độ. Hệ quả là nhiều dự án tồn tại trên giấy cả một thập kỷ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Để khắc phục tình trạng dự án được chấp thuận nhưng không triển khai hoặc chậm tiến độ gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung những nội dung như: Công khai đầy đủ các quy hoạch để nhà đầu tư có định hướng; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, rà soát các dự án với tinh thần xử lý nghiệm vi phạm, kiên quyết thu hồi đối với dự án không triển khai, vi phạm quy định thuộc trường hợp thu hồi để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư khác nghiên cứu… Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu các yếu tố liên quan để đề xuất dự án phù hợp, tránh “đầu voi đuôi chuột”…