Các nhà văn hóa thôn ở Kỳ Thượng đều được xây dựng từ lâu, hiện đã lạc hậu, xuống cấp
Theo tính toán của địa phương, để làm mới hệ thống nhà văn hóa thôn trên địa bàn cần có hàng chục tỷ đồng, trong lúc việc huy động sức dân hạn chế, nhất là sau thiệt hại về cây lâm nghiệp trong trận bão số 10/2017. Trước thực trạng đó, xã Kỳ Thượng đã khảo sát, phân loại và lập phương án để gỡ dần những khó khăn, trước mắt là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp tối thiểu.
Theo đó, địa phương đã tranh thủ kêu gọi nhà đầu tư dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng để xây dựng mới nhà văn hóa thôn Phúc Thành 2 - địa bàn nhà máy đóng chân. Bên cạnh đó, tại thôn Bắc Tiến, tận dụng cơ sở vật chất của điểm trường 2 trường mầm non cũ, xã đang lập phương án hỗ trợ thôn nâng cấp, cải tạo để thay thế nhà văn hóa thôn đã xuống cấp.
Cơ sở 2 trường mầm non cũ chuẩn bị được nâng cấp, sửa chữa thành hội quán thôn Bắc Tiến
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Viết, điểm thuận lợi cho thôn Bắc Tiến là phòng học cũ có thể cải tạo làm hội trường sinh hoạt, khuôn viên rộng rãi, đã có hệ thống tường bao và cây xanh. Trong điều kiện nguồn lực không đủ để xây mới thì với việc nâng cấp, sửa chữa điểm trường cũ này, thôn Bắc Tiến sẽ có nhà văn hóa đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp trước mắt.
Ngoài 2 nhà văn hóa thôn đã có giải pháp, phương án khá rõ nói trên, chính quyền xã Kỳ Thượng đã tính đến việc sử dụng ngân sách huyện và vận động người dân đóng góp một phần để sửa chữa các hội quán còn lại theo hướng cơi nới rộng, sơn sửa lại và chỉnh trang khuôn viên. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực nên việc nâng cấp hệ thống nhà văn hóa thôn đang gặp khó khăn. Đặc biệt, khó nhất là 2 nhà văn hóa thôn Phúc Sơn và Phúc Thành 1 do trước đây được xây dựng ở các vị trí đất công ích nhỏ hẹp, không thể làm khuôn viên và xây dựng các thiết chế thể thao nên phải tính toán đến việc xây mới ở một vị trí phù hợp.
Nhà văn hóa thôn Phúc Sơn sau cơn bão số 10 lại càng nhếch nhách, xập xệ
Có mặt tại nhà văn hóa thôn Phúc Sơn, chúng tôi chứng kiến công trình đã hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng. Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Văn Quân cho biết: Thôn có 127 hộ, trong đó có 57 hộ nghèo và cận nghèo, vì vậy việc kêu gọi đóng góp hết sức khó khăn. Nhà văn hóa thôn vốn đã xuống cấp, sau cơn bão số 10, nhiều hạng mục tiếp tục hư hỏng. Tuy nhiên, bà con không muốn tu sửa tạm thời các hạng mục vì ở điểm hội quán này diện tích khuôn viên quá nhỏ hẹp nên thời gian tới sẽ triển khai xây dựng nhà văn hóa ở địa điểm đã được xã quy hoạch.
"Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị các cấp, ngành quan tâm, có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho vùng khó khăn xây dựng nhà văn hóa. Nếu việc xây dựng nhà văn hóa chủ yếu dựa vào sức dân thì ước mong có được nhà văn hóa đáp ứng yêu cầu của thôn Phúc Sơn chưa biết bao giờ mới thực hiện được", Bí thư Quân nói thêm.
Tương tự nhà văn hóa thôn Phúc Sơn, 9 nhà văn hóa thôn khác cùng được xây dựng ở thời điểm năm 1996 (do dự án CBRIP hỗ trợ) đều cùng chung hiên trạng diện tích nhà hội họp nhỏ, các thiết chế văn hóa thiếu thốn.
Nhà văn hóa thôn Trung Tiến dù được bà con trong thôn sửa chữa nhưng còn cách xa các tiêu chí của một điểm hội họp, sinh hoạt văn hóa - thể thao theo các tiêu chí nông thôn mới
Theo lãnh đạo xã Kỳ Thượng, việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa ở địa phương hiện đang còn nhiều khó khăn vì chính sách hỗ trợ của huyện để xây dựng mới (hỗ trợ 200 triệu đồng) và sửa chữa (40 triệu)/nhà văn hóa chỉ mang tính chất kích cầu, còn lại chủ yếu phải huy động nội lực, trong khi xã không có nguồn thu ngân sách, thu nhập người dân hiện còn thấp.
“Cùng với việc từng bước sửa chữa các nhà văn hóa thôn để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt trước mắt của bà con, về lâu dài xã Kỳ Thượng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp ngành để từng bước xây dựng hệ thống nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo tiêu chí NTM” - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Nguyễn Xuân Viết đề xuất.