Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam được UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào chiều ngày 17/11 là dịp để các thế hệ thầy cô giáo cùng gặp mặt, hội ngộ.
40 năm trôi qua, biết bao cảm xúc trào dâng trong từng ánh mắt, nụ cười của các thế hệ cán bộ, nhà giáo trong buổi lễ xúc động hôm nay. Thế hệ nhà giáo đi trước nay tóc đã ngả màu, vậy mà nhiều người vẫn vượt chặng đường xa xôi hàng chục km để về đây sum vầy cùng đồng nghiệp.
Thế hệ tuổi xanh hôm nay, háo hức được gặp gỡ, trò chuyện với những người đồng nghiệp đáng kính qua các thời kỳ để được soi mình, được gửi gắm, được nhân lên niềm vinh dự, tự hào về nghề giáo thiêng liêng và cao quý.
Những cái ôm ấm áp, nghĩa tình và xúc động trong ngày hội ngộ của những đồng nghiệp cũ.
Trong buổi lễ xúc động này, có những cuộc hội ngộ đặc biệt với các thế hệ đồng nghiệp, bạn bè, thầy cô giáo cũ một thời từng chung vai sát cánh trong một mái trường. Ai cũng rưng rưng niềm xúc động và tự hào bởi trong suốt cuộc hành trình dài, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào người cán bộ, nhà giáo trên vùng đất học Hà Tĩnh vẫn vẹn nguyên bầu nhiệt huyết và tình yêu nghề không bao giờ vơi cạn.
Cô Nguyễn Thị Kim Từ - nguyên giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh chia sẻ: “Tôi năm nay đã bước sang tuổi 73, trong đó có 33 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở các vùng quê Đức Thọ và Hồng Lĩnh. Hôm nay, tôi rất vui khi được tham dự buổi lễ với sự có mặt của các thế hệ nhà giáo, được sống trong không khí ấm áp nghĩa tình, được gặp lại những đồng nghiệp cũ. Xúc động, tự hào, chúng tôi cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, của ngành đã giúp các thế hệ nhà giáo có cuộc hội ngộ hôm nay”.
Nhiều nhà giáo đã tuổi cao sức yếu vẫn tới lễ kỷ niệm để được sum vầy cùng đồng nghiệp.
Tâm huyết, tận tụy với nghề, sự cống hiến của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động toàn ngành qua các thời kì, nhất là đội ngũ nhà giáo lão thành, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú trong nhiều năm qua đã góp sức cho giáo dục Hà Tĩnh luôn giữ vững và phát huy truyền thống của vùng đất học.
Đó là những ngày ngọn đèn làng học Cẩm Bình tỏa sáng, phong trào xóa mù, bình dân học vụ lan tỏa trên khắp các vùng quê, Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục công nhận là tỉnh đầu tiên trên cả nước thanh toán nạn mù chữ, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (tháng 2/1949).
Các thế hệ giáo viên cùng lưu lại những tấm hình kỷ niệm trong cuộc hội ngộ đặc biệt này.
Những năm tháng ác liệt của chiến tranh cho đến thời kỳ đổi mới, lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” đã trở thành hành trang, là mục tiêu, nhiệm vụ để giáo viên Hà Tĩnh luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp.
Phong trào thi đua “Hai tốt”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.... đã trở thành những luồng gió mát lành mang đến sự đổi thay dưới những mái trường.
Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý (hàng đầu thứ 2 từ trái sang) tại buổi lễ kỷ niệm.
Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ: “Từng gắn bó với ngành GD&ĐT từ những năm tháng khó khăn, bản thân tôi và các đồng nghiệp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để thực hiện tốt sứ mệnh đã được giao phó. Hôm nay, tôi rất vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay của giáo dục tỉnh nhà, sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ nhà giáo.
Mong rằng, thế hệ hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ GD&ĐT trong thời kỳ mới”.
Sự tâm huyết, tận tụy với nghề của các thầy cô giáo đã góp sức cho giáo dục Hà Tĩnh luôn giữ vững và phát huy truyền thống của vùng đất học.
Nối tiếp truyền thống vùng đất học, các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên các thời kỳ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đưa giáo dục Hà Tĩnh phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh nhiều năm có thành tích dẫn đầu cả nước.
Truyền thống đáng tự hào, những câu chuyện truyền lửa và tấm gương của các thế hệ đi trước đã dẫn đường, truyền sức mạnh cho thế hệ hôm nay tiếp bước thực hiện sứ mệnh cao cả.
Cô giáo Trương Thị Nhật Anh thay mặt các nhà giáo trẻ phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.
Cô Trương Thị Nhật Anh, giáo viên Địa lý - Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh xúc động: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi được là một trong những giáo viên trẻ có mặt trong buổi gặp mặt hôm nay. Lắng nghe, cảm nhận những câu chuyện, những chia sẻ và sự kỳ vọng của các thế hệ thầy cô đi trước, chúng tôi được tiếp thêm ngọn lửa khát vọng cống hiến trong chặng đường tiếp nối sứ mệnh vinh quang. Tôi hứa sẽ không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện, phát huy huy phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ trong sự nghiệp trồng người”.
Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức; sự tận tụy, hi sinh và sự dìu dắt, dạy dỗ của các nhà giáo đã khơi dậy truyền thống hiếu học, thắp sáng ước mơ, hoài bão, lý tưởng cho bao thế hệ. Lớp lớp học sinh qua các thời kỳ trên đất học Hồng Lam đã trưởng thành, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Thành quả mà các em đạt được chính là món quà quý giá tri ân những cống hiến, công lao thầm lặng của những người “chèo đò”.
Còn em Đinh Cao Sơn, lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh chia sẻ: “Từ sự quan tâm, chăm lo của các thầy cô giáo, chúng em đã ngày càng trưởng thành hơn. Tri ân những tấm lòng, tình cảm, sự quan tâm, kỳ vọng của các thầy cô, chúng em hứa sẽ tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện để đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Đó là món quà ý nghĩa nhất chúng em tặng thầy cô giáo”.
Các thế hệ nhà giáo tham dự lễ kỷ niệm.
Tự hào với bề dày truyền thống ngành giáo dục - đào tạo và sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, thế nhưng không ít thách thức đang đặt ra trong thời kỳ hội nhập.
Theo đó, để xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đầy đủ phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ 4.0, cùng với các chủ trương, giải pháp của cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi cán bộ, nhà giáo cần luôn phát huy truyền thống, kết quả đạt được, không ngừng trau dồi phẩm chất, trách nhiệm, tâm huyết và luôn sáng tạo, đổi mới.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu chúc mừng tại buổi lễ.
Tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã ghi nhận: “Với tài năng sư phạm, lòng yêu nghề, mến trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, tâm huyết trên từng trang giáo án, thắp sáng ước mơ, hoài bão cho các thế hệ học sinh”.
Người đứng đầu tỉnh cũng gửi gắm mong muốn ngành giáo dục tỉnh nhà tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm, trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, biết truyền cảm hứng cho học sinh, là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng gặp mặt, trò chuyện cùng các thầy, cô giáo.
Buổi lễ ấm áp, xúc động cũng đã khắc sâu niềm tự hào về nghề dạy học thiêng liêng và cao quý, tạo động lực để các cán bộ, nhà giáo hôm nay luôn giữ vững niềm tin, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, không ngừng nỗ lực sáng tạo, giành những thành quả trong giai đoạn mới.
Cùng với nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh sôi nổi, ý nghĩa được tổ chức rộng khắp, sự quan tâm của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương và toàn xã hội, mùa hiến chương có ý nghĩa đặc biệt đang về trên vùng đất học với niềm hân hoan, xúc động, tự hào…