Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Giang Huy |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ hơn các nội dung của Chỉ thị. Tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND.
- Việc ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII là cơ sở để các cấp, các ngành tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp thành công tốt đẹp. Xin đồng chí cho biết, Chỉ thị số 35-CT/TW đã có những nội dung nào được kế thừa Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, nội dung nào được chỉnh sửa, bổ sung và những nội dung nào mới được quy định?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Chỉ thị số 35-CT/TW kế thừa 4 nội dung còn phù hợp trong Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI và được đa số các địa phương, cơ quan, đơn vị đề nghị.
Thứ nhất, về quy định đổi mới cấp ủy viên, chỉ thị này tiếp tục thực hiện chủ trương cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ và thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và phấn đấu ba độ tuổi trong thường trực cấp ủy.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.
Thứ ba, về thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy và chính quyền: Cấp cơ sở, tháng 4/2020; cấp trên trực tiếp cơ sở, tháng 6/2020; cấp trực thuộc Trung ương, tháng 9/2020. Thời điểm tính tuổi tham gia chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội, tháng 5/2021.
Thứ tư, về độ tuổi lần đầu tham gia và tái cử cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nói chung phải đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn 1 nhiệm kỳ.
Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nói chung phải đủ tuổi công tác trọn 1 nhiệm kỳ, ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy ở mỗi cấp và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tại thời điểm bầu cử.
Thí điểm đại hội bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy
Chỉ thị 35 đã kế thừa có điều chỉnh 3 nội dung trong Chỉ thị 36 và được đa số các địa phương, cơ quan, đơn vị đề nghị.
Thứ nhất, về thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và các chức danh lãnh đạo cấp trưởng một số ngành không là người địa phương: Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) theo lộ trình phù hợp, Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Thứ hai, về thực hiện chủ trương thí điểm đại hội trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy: Thực hiện chủ trương thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao; nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp.
Thứ ba, về cơ cấu, số lượng đại biểu dự đại hội: Việc xác định cơ cấu, số lượng đại biểu đại hội đảng bộ các cấp thực hiện theo hướng giữ nguyên số lượng đại biểu ở khối địa phương như một số nhiệm kỳ gần đây; đồng thời, đổi mới cách phân bổ để bảo đảm thành phần, cơ cấu, giới tính, dân tộc hợp lý; tăng số lượng đại biểu ở các ngành, lĩnh vực quan trọng để có từ 1 đến 2 đại biểu (không tính đại biểu đương nhiên) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thảo luận, phản biện, đóng góp ý kiến khi quyết định những chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và địa phương.
Giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên
Chỉ thị 35 kế thừa có bổ sung 4 nội dung trong Chỉ thị 36 và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương khóa XII phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cụ thể về số lượng ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ: Quy định số lượng cấp ủy viên và ủy viên Ban Thường vụ các cấp; đồng thời, thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa đã được Trung ương xác định ở nhiệm kỳ 2015 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII).
Về quy trình nhân sự, thực hiện theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị, hướng dẫn của cấp ủy có thẩm quyền và được cụ thể hóa để xây dựng quy trình mới đối với 2 đối tượng: Nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy và nhân sự tái cử cấp ủy.
Không nhất thiết địa phương, ban ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy
Về cơ cấu cấp ủy theo địa bàn, lĩnh vực, thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; đồng thời, thống nhất quy định một số chức danh cụ thể có cơ cấu Ban Thường vụ, số cơ cấu còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ.
Về tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên; tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài.
- Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp, những khâu, bước, công việc nào là cốt yếu nhất, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp, Bộ Chính trị coi trọng tất cả các khâu, bước để thực hiện đầy đủ 4 nội dung của đại hội: Tổng kết thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; bầu Ban Chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025; Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển
- Để chuẩn bị toàn diện mọi mặt, đặc biệt là về công tác nhân sự và xây dựng văn kiện, đồng chí có thể cho biết những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với cấp ủy các cấp trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Để chuẩn bị toàn diện mọi mặt, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp theo những yêu cầu và nội dung sau: Công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu; bảo đảm hiệu quả, an toàn, thiết thực, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực.
Thông qua Đại hội đảng bộ các cấp, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ cần đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, thiết thực, toàn diện.
Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.
Chú trọng giới thiệu nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng
Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp trong công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Việc đánh giá cán bộ phải dựa trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả và sản phẩm cụ thể; đồng thời, có biện pháp chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức có dụng ý xấu và nhất là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép, xấu độc trên internet, mạng xã hội liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự.
Chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy.
Đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên phải là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, đại diện cho trí tuệ của đảng bộ, có khả năng đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự thành công của đại hội.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
Tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; đồng thời, phải tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng tình hình để gán ghép, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và nhân sự cấp ủy các cấp.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!