Một quan chức quốc phòng Nhật Bản nói với hãng tin Jiji Press rằng họ dự định phát triển mẫu thử nghiệm bom lượn siêu thanh và đưa vào hoạt động từ năm 2025. Kinh phí cho nghiên cứu ban đầu khoảng 13,8 tỷ yen (khoảng 122 triệu USD) đã được phê duyệt trong ngân sách quốc phòng năm tới.
Bom lượn siêu thanh mới có thể triển khai từ bệ phóng trên mặt đất. Một động cơ tên lửa sẽ phóng quả bom lên độ cao khoảng 20 km, sau đó nó tách khỏi thân tên lửa và lướt đến mục tiêu với tốc độ siêu thanh. Bom được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, kết hợp với tốc độ nhanh khiến việc đánh chặn trở nên rất khó khăn.
Garren Mulloy, Phó giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Daito Bunkyo, Nhật Bản, cho biết vũ khí mới được thiết kế để bổ sung cho tên lửa hành trình mà lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã triển khai.
Phi đội tiêm kích F-15J của Nhật Bản trong một đợt tập trận. Ảnh: JASDF. |
“Hiện tại, người Nhật rất thiếu các vũ khí dẫn đường công nghệ cao, đặc biệt là so với Mỹ, NATO, hay Nga, vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Tokyo quan tâm đến loại vũ khí này”, ông Mulloy nói với Jiji Press.
Ông Mulloy cho biết thêm Tokyo đang lo lắng về năng lực quân sự của Bắc Kinh, cũng như nguy cơ về khả năng Trung Quốc có thể chiếm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa hai nước.
Nhiều khả năng bom lượn siêu thanh khi đi vào hoạt động có thể được triển khai ở những vị trí mà các đảo tranh chấp nằm trong tầm bắn của nó.
Hiện quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp đang do Tokyo kiểm soát. Ảnh: AFP. |
Bom lượn siêu thanh nhiều khả năng sẽ được sử dụng để tấn công các xe quân sự, kho tàng, bến bãi và các tàu nhỏ, trong khi tên lửa hành trình sẽ tấn công các tàu cỡ lớn.
Những nhà thầu quốc phòng Nhật Bản có chuyên môn cao trong việc phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến. Do đó, Tokyo sẽ không mấy khó khăn để phát triển bom lượn siêu thanh. Tuy nhiên, vũ khí này chỉ được sử dụng bởi lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Trước đây, theo Hiến pháp Nhật Bản, các công ty quốc phòng bị cấm bán vũ khí ra nước ngoài.
Kể từ khi quy định xuất khẩu vũ khí được nới lỏng vào năm 2014, các công ty Nhật Bản đã thực hiện một số thỏa thuận nghiên cứu với Anh, Australia và Pháp. Nhật Bản cũng đang xúc tiến việc chuyển giao trang thiết bị quân sự cho một số quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Tuy vậy, các giao dịch vẫn chỉ giới hạn trong việc chuyển giao vũ khí phi sát thương, như máy bay giám sát TC-90 cho Philippines. Tokyo vẫn chưa sẵn sàng để bán vũ khí hiện đại ra nước ngoài, ông Mulloy nhận định.