Takeshi Minami, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Norinchukin (Nhật Bản), cho biết: "Năm nay, các công ty lớn có thể sẽ tăng lương gần 4%".
Theo Minami, cuộc khủng hoảng lao động khốc liệt ở Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tính đến việc tăng lương nhanh chóng để thu hút được nhân sự trẻ.
Các nhà kinh tế nhận định, cuộc đàm phán tiền lương sẽ dẫn đến mức điều chỉnh tới 3,9%. Đây sẽ là mức tăng lớn nhất trong 31 năm qua.
Trước đó, Tổng liên đoàn lao động Nhật Bản (Rengo) đã đưa ra yêu cầu tăng lương 5,85%. Đây là lần đầu tiên mức đề nghị của tổ chức đại diện cho người lao động vượt quá 5%.
Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động trong các ngành như ô tô, điện tử, kim loại, máy móc hạng nặng, dịch vụ cũng đã yêu cầu tăng lương kỷ lục.
Đơn cử, các công nhân của hãng xe Toyota đặt vấn đề tăng lương lên tới 28.440 yên/tháng và mức thưởng bằng 7,6 tháng lương. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới dự kiến sẽ chính thức đáp ứng những yêu cầu đó.
Hãng xe Honda Motor và Mazda cũng đã đạt được những thỏa thuận với tiền lương với người lao động từ tháng trước.
Theo thống kê của Chính phủ, mức tăng lương ở các công ty lớn tại Nhật Bản đạt 3,6% vào năm ngoái, vốn đã là mức tăng lớn nhất trong ba thập kỷ. Vậy mà các nhà kinh tế còn chờ đợi mức tăng lớn hơn trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn về tăng chi phí sản xuất.
Trước đó, xu hướng tăng lương để giữ chân nhân sự giỏi đã khiến 14 công ty tại Nhật Bản công bố cắt giảm hơn 3.600 nhân sự trong 2 tháng đầu năm 2024. Lý do, các công ty muốn thay đổi cơ cấu, chỉ giữ lại những nhân sự giỏi nhất và tăng lương cho họ.
Công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research cho hay, có 14 công ty tại Nhật Bản vừa cho 3.613 nhân viên nghỉ hưu sớm hoặc để nhân viên tự nguyện nghỉ hưu. Con số này tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (3.161 người).
Công ty mỹ phẩm Shiseido và công ty điện tử Omron cũng vừa lần lượt công bố các gói trợ cấp thôi việc cho 1.500 và 1.000 nhân viên tại Nhật Bản. Khoảng 700 người tại chuỗi siêu thị Ito Yokado, công ty con của Seven & i Holdings cũng đã nộp đơn xin nghỉ hưu sớm.
Ngoài ra, những nhân sự làm việc ở nước ngoài cũng vừa bị các công ty Nhật Bản cho thôi việc. Trong đó, có thể kể đến việc công ty Omron vừa cắt giảm thêm 1.000 việc làm bên ngoài Nhật Bản. Tập đoàn Sony đã công bố kế hoạch cắt giảm 900 vị trí thuộc mảng trò chơi trên toàn cầu.