Vụ tài xế điều khiển xe ô tô Mercedes đâm khiến 2 phụ nữ tử vong tại hầm Kim Liên (Hà Nội) đêm 1/5 là do có sử dụng rượu bia sau khi đi dự họp lớp về. Ảnh: Báo GĐ&XH
Sau mỗi giờ tan tầm, trên các “phố nhậu” kín đặc người và xe. Ồn ào náo nhiệt. Đang cầm ly bia “dzô” cùng nhóm bạn, anh Quang Vinh (thị trấn Thạch Hà) vui vẻ cho biết: “Anh em bạn bè thân thiết hầu như tuần nào cũng gặp nhau “làm tí” cho vui. Lâu lâu không thấy các chiến hữu gọi cũng thấy thiếu thiếu”.
Tần suất không còn được tính theo tuần nữa mà dày đặc hơn, nhóm của anh Thành (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) gặp nhau theo ngày. Anh Thành cho biết: “Sau giờ làm, đội bóng thường đá giao lưu. Đá xong thì cũng đã muộn nên hầu như anh em đều “cắt cơm nhà”. Bình thường thì người vài ba cốc bia, chút đồ nhậu cho mát, nhưng có nhiều hôm cũng “tới bến”.
Bàn nhậu rôm rả bao nhiêu thì những mâm cơm gia đình trở nên nguội lạnh bấy nhiêu. Thường xuyên phải chờ cơm ông xã mỗi tối, chị Hương (phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nhiều hôm, công việc ở cơ quan rất bận rộn nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp về sớm để kịp đón con rồi đi chợ mua thức ăn. Tất bật nấu nướng, cơm lành canh ngọt sẵn sàng thì nhận điện thoại: “Bố nhậu, không ăn cơm nhé!”. Một cảm giác hụt hẫng, buồn tủi và mâm cơm gia đình tưởng vui vẻ, đầm ấm cũng trở nên nhạt nhẽo”.
Ứng xử đẹp trong các cuộc nhậu là điều không phải ai cũng làm được
Nhậu đã trở thành một nhu cầu rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Có nhiều lý do để người ta nhậu với nhau: Có chuyện vui - nhậu chúc mừng, chuyện buồn - nhậu giải khuây, lâu ngày gặp mặt - nhậu giao lưu… Nhưng mục đích cuối cùng là để tìm kiếm những giờ phút thư giãn, thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng.
Tuy nhiên, không phải cuộc nhậu nào cũng kết thúc trong vui vẻ. Người ta vẫn thường nói “rượu vào lời ra”, rất nhiều cuộc cãi vã, ẩu đả, thậm chí án mạng bắt nguồn từ những lời nói mất kiểm soát trên bàn nhậu.
Việc ép người khác uống rượu đã trở thành một thứ ứng xử rất đỗi xấu xí. Lý do mà nhiều người đưa ra là “rượu bất khả ép”, nhưng “ép thì bất khả từ” và hậu quả là người bị ép đôi khi vì sĩ diện, vì bị khích bác đã chấp nhận uống dù biết vượt quá tửu lượng của bản thân.
Uống quá nhiều, tần suất quá dày đặc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người nhậu, nhất là hiểm họa tai nạn giao thông luôn hiện hữu. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ủy ban ATGT quốc gia, khoảng 70% các vụ tai nạn giao thông bắt nguồn từ việc người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm quy định về nồng độ cồn. Hậu quả của những vụ tai nạn mà tài xế có sử dụng rượu bia thì có lẽ không cần phải nói hầu hết mọi người cũng đã biết.
Những cuộc nhậu để giao lưu bạn bè, tạo mối quan hệ là điều cần thiết, nhưng làm thế nào để những cuộc nhậu ấy diễn ra trong ứng xử đẹp là điều không phải ai cũng có thể làm được. Để mỗi cuộc nhậu là một cuộc gặp gỡ vui vẻ, không tiềm ẩn nhiều nguy cơ thì mỗi người cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và thái độ sống…