Cách phòng bệnh sán lợn.
Sán dây lợn gây bệnh lợn gạo ở lợn, con người ăn phải trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán dây lợn sẽ mắc bệnh và có thể gây một số biến chứng.
Nhiễm sán dây lợn có nguy hiểm không?
Khi người mắc bệnh sán lợn, trứng sán lợn ở trong các đốt sán già, rụng ra khỏi cơ thể sán rồi ra ngoài theo phân làm ô nhiễm thực phẩm, rau, quả, nước. Khi người hoặc lợn ăn phải trứng, trứng sẽ vào ruột nở thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có thể ở lại ruột phát triển thành sán lợn trưởng thành.
Mỗi con sán lợn trưởng thành dài khoảng từ 1-3 mét, có thể tới 8 mét, cơ thể có từ 700-1.000 đốt và mỗi con sán trưởng thành có nhiều đốt sán, mỗi đốt sán lợn chứa hàng ngàn trứng, về sau trứng sán sẽ phát triển thành ấu trùng sán lợn.
Mỗi khi bị sán dây lợn có thể có nhiều con sán trưởng thành ở trong ruột người bệnh, vì vậy, chúng sẽ sử dụng rất nhiều chất dinh dưỡng của người bệnh đó, gây rối loạn tiêu hóa và dần dần người bệnh bị suy kiệt, đặc biệt là trẻ em. Sau thời gian phát triển 2,5 - 4 tháng, ấu trùng sán lợn có khả năng lây nhiễm.
Nếu người ăn phải ấu trùng sán lợn (kén sán) còn sống vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng. Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm.
Một số trường hợp (không phải tất cả), ấu trùng sán lợn từ ruột có thể sẽ theo hệ bạch mạch hoặc xuyên qua các lớp tổ chức để tìm đến ký sinh ở cơ, cơ quan nội tạng phát triển thành nang ấu trùng sán sẽ rất nguy hiểm nhất là ở não, tim, mắt...
Tại sao không nên chủ quan, xem thường?
Nguyên nhân chính của người nhiễm bệnh sán dây lợn là do ăn thịt lợn chưa nấu chín mà thịt lợn đó bị nhiễm sán dây lợn (lợn gạo) hoặc ăn phải thực phẩm có nhiễm trứng sán lợn hoặc ấu trùng sán lợn. Vì vậy, không nên chủ quan xem thường, bởi vì, thịt lợn là loại thực phẩm gần như có ở mọi miền, nếu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ trở thành lợn gạo, khi chưa nấu chín, nếu ăn phải sẽ bị nhiễm sán dây lợn.
Mặt khác, chỉ có một số người bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn có thể bị ấu trùng cư trú ở não gây các triệu chứng động kinh, co giật, tăng áp lực nội sọ, đau đầu kéo dài, và các tổn thương khác. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng hoặc hoang mang, bởi vì, khi phát hiện bị nhiễm sán dây lợn đã có phác đồ điều trị của Bộ Y tế có hiệu quả cao, mặt khác để chẩn đoán nhiễm sán dây lợn, hiện nay đã làm được các nghiệm và cận lâm sàng có độ chính xác cao.
Nguyên tắc điều trị
Khi phát hiện bị nhiễm sán dây lợn người bệnh hoặc người nhà không nên quá lo lắng, hoang mang, bởi vì, người bị nhiễm bệnh sán dây lợn sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế có hiệu quả cao ở cơ sở y tế nhà nước, do đó, người bệnh hoặc người nhà không tự động mua thuốc để tự điều trị.
Ăn chín, uống sôi là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Nguyên tắc phòng bệnh
Mặc dù khi phát hiện nhiễm sán dây lợn sẽ được điều trị dứt điểm nhưng cần phải chủ động phòng bệnh. Bởi vì, người bị nhiễm sán dây lợn là do vệ sinh kém, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc thói quen ăn thịt lợn chưa nấu chín (tiết canh, nem cua, nem chạo...). Nếu thịt lợn dùng để chế biến các loại thực phẩm đó nhiễm sán dây lợn thì rất nguy hiểm.. Vì vậy, có thể phòng ngừa bệnh sán lợn được bằng vệ sinh môi trường, quản lý phân thật tốt (phân người và phân lợn, đặc biệt ở nông thôn, miền núi cần có hố xí hợp vệ sinh, không thả rông lợn).
Cần có nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng trong phòng bệnh sán lợn, đặc biệt cần ăn chín, uống chín.
Ngành thú y cần kiểm tra thật nghiêm ngặt chất lượng thịt lợn, quyết không để thịt lợn gạo tồn tại ở các nơi bán và chế biến thực phẩm. Với người dân tuyệt đối không ăn thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo,...), đặc biệt tránh xa thịt lợn gạo và không ăn rau sống.
TS.BS. Bùi Việt Bắc