Dân Washington phải lao vào nước để giảm nhiệt - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, các công ty điện đã phải điều thêm hàng ngàn nhân viên trực liên tục để xử lý sự cố. Tuy nhiên, tình trạng quá tải là không tránh khỏi.
Theo Đài NBC News, ít nhất 200.000 hộ dân và doanh nghiệp ở Michigan bị cúp điện vào sáng 20-7. Tại Philadelphia, 250 cụ ông cụ bà sống trong một nhà dưỡng lão phải đi di tản do cúp điện ngày 19-7.
Nhiều nơi đã ra lệnh hạn chế sử dụng điện. Tại New York, thị trưởng yêu cầu các trụ sở làm việc, văn phòng để mức từ 25 độ C trở lên trên máy lạnh cho đến tối khuya 21-7.
Đợt nóng kéo một dải từ tây nam của bang Kansas và nhiều nơi ở Oklahoma sang các tiểu bang Carolina và đến tận miền nam của Maine. Nhiệt độ ban đêm cũng không hạ xuống khiến nền nhiệt ngày tiếp theo cao hơn ngày trước.
Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) của Mỹ cho biết nắng nóng ảnh hưởng đến hơn 126 triệu dân Mỹ trong ngày 20-7 và 31 triệu người khác được cảnh báo thận trọng.
Nắng nóng đã làm thiệt mạng ít nhất 6 người, trong đó có 4 người ở bang Maryland. Một cựu cầu thủ bóng bầu dục, từng ở trong đội New York Giants, anh Mitch Peterus, 32 tuổi, đã thiệt mạng do say nắng.
Dự báo, ngày 21-7, nhiệt độ có giảm chút ít nhưng miền đông nước Mỹ vẫn còn rất nóng.
Thống đốc Maryland, ông Larry Hogan, đăng Tweet kêu gọi mọi người "Hãy lưu ý về ảnh hưởng của thời tiết đến sức khỏe".
Nhiều chai nước, quạt giấy và cả các bình oxy được phát miễn phí trên đường và dành phục vụ người cao tuổi.
Thành phố New York cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì nắng nóng và mở 500 trung tâm làm mát giúp người dân tránh nóng.
Thị trưởng Bill de Blasio của New York không hài lòng khi nhiều tuyến đường xe điện ngầm ở New York ngưng chạy vì quá nóng. Nhiều chương trình sinh hoạt ngoài trời phải bị hủy bỏ.
Trời nóng, lẽ ra tiệm kem phải đắt khách nhưng một chủ hàng kem ở bắc Boston cho biết phải đợi đến chiều mới có người mua vì trời nóng quá người dân thậm chí không dám ra đường để mua kem.