Nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, “gỡ khó” cho các cơ sở y tế.

Nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Cảnh người bệnh chờ đợi, chờ lịch mổ vì thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: PV

Theo Bộ Y tế, với phương châm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết và được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Theo đó, các giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý đã được thực hiện. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới đổi mới cơ chế tài chính khắc phục những hạn chế, bất cập của các cơ sở y tế thời gian qua. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong giai đoạn từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024. Nhờ vậy, ngay trong tháng 2/2023, Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép lưu hành của gần 10.000 thuốc, đảm bảo nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022, Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/2/2023 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để quán triệt, tìm giải pháp khắc phục nhanh nhất tình trạng trên.

Vào đầu tháng 3/2023, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2003/NĐ-CP đã giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế; đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành; sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá.

Bộ Y tế cũng tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP đã giải quyết các vấn đề liên quan tới thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu; hướng dẫn xác định giá gói thầu; việc sử dụng trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm tháo gỡ những quy định bất cập trong mua sắm, đấu thầu như: Ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT ngày 6/12/2022; theo đó đã bãi bỏ khoản 3, Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT về tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đó khi lập dự toán giá gói thầu. Mới đây, ngày 12/3/2023, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 06/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện thể chế, các cơ chế chính sách như: Sửa đổi Luật Dược 2016, sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Đấu thầu và Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT; phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Luật Giá, Nghị định số 29/NĐ-CP, Nghị định số 151/NĐ-CP; Thông tư số 58/2016/TT-BTC; Thông tư số 277/2016/TT-BTC và Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016...

Bên cạnh nỗ lực triển khai các giải pháp về hành lang pháp lý; việc chỉ đạo, điều hành, chuyên môn cũng nỗ lực triển khai giải quyết những vướng mắc, khó khăn.

Cụ thể, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các Thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đã tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung. Qua đó đã giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Vấn đề giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan cũng được điều chỉnh. Đồng thời, thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ.

Bộ Y tế cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá. Cụ thể, trong năm 2022, đã tổ chức thành công 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia: Giảm giá 1.418 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc, giảm giá 1.995 tỷ đồng (xấp xỉ 15%).

Cùng với đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và các giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức và chuyên gia thẩm định hồ sơ cũng được tăng cường.

Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách trong giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã tổ chức hướng dẫn triển khai Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP cho toàn ngành y tế để thống nhất việc triển khai, cũng như lắng nghe những vướng mắc của các đơn vị.

Nhờ những giải pháp gỡ vướng các “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường. Tại Bệnh viện Việt Đức, sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hoá chất, bệnh viện đã mổ trở lại như bình thường; người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện. Ngay khi được tháo gỡ, Bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất... Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã giải quyết được những vấn đề cấp bách trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, xử lý đối với những máy móc “đắp chiếu”…

Theo Tin tức

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.