Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất của gia đình, anh Nguyễn Đình Bình (SN 1974, trú thôn Minh Đình, xã Tân Lâm Hương) đã phát triển mô hình nuôi ếch Thái Lan từ năm 2003. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Bình thả từ 3-5 vạn con giống trên diện tích mặt nước khoảng hơn 600m2. Hiện tại, mô hình nuôi ếch của anh Bình đang có gần 5 vạn con, trong đó, chủ yếu là ếch thịt. Ngoài ra, để chủ động nguồn ếch giống, anh Bình còn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật qua sách báo, tài liệu để nuôi ếch sinh sản.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ếch, anh Bình cho biết: “So với nhiều loài vật nuôi khác, nuôi ếch đang có lợi nhuận khá cao. Thịt ếch là nguồn thực phẩm dinh dưỡng được nhiều người lựa chọn, trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi ếch không quá cao và kỹ thuật không khó, đầu ra khá ổn định. Tuy nhiên, để nuôi ếch thành công cũng cần chú ý nhiều yếu tố như con giống tốt, khu vực nuôi, nguồn nước đảm bảo vệ sinh, không bị ô nhiễm, phương pháp cho ăn hợp lý…
Thị trường tiêu thụ ếch của gia đình anh Bình khá đa dạng. Ngoài việc xuất bán trong tỉnh, ếch của gia đình anh còn được bán cho nhiều thương lái ở miền Bắc và Nghệ An, Quảng Bình. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Bình xuất bán khoảng 4,5 - 5 tấn ếch thịt, đem lại doanh thu khoảng gần 250 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, giúp gia đình có cuộc sống ổn định.
Đầu ra dễ bán, cho thu nhập khá (giá ếch từ 55.000 đồng - 60.000 đồng/kg) nên mô hình nuôi ếch của anh Bình đã được nhiều người dân trên địa bàn tới tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và mua con giống.
Còn anh Trần Văn Trường (SN 1993, thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương) lại chọn phát triển kinh tế từ mô hình nuôi chồn. Được biết, sau khi đi xuất khẩu lao động, anh Trường chọn ở lại quê hương để phát triển kinh tế. Sau khi tìm hiểu trên mạng và học hỏi các mô hình tại địa phương, năm 2023, anh Trường đã mạnh dạn mua 43 con chồn giống và xây dựng hệ thống chuồng trại với số vốn ban đầu khoảng 450 triệu đồng. Đến nay, sau gần 1 năm, mô hình của anh Trường đã phát triển lên gần 80 con, bao gồm chồn mẹ, chồn con và chồn thương phẩm.
Anh Trường cho biết: “Sau khi từ nước ngoài về, tôi quyết tâm làm giàu tại quê nhà nên đã dành thời gian tìm hiểu về loài chồn hương. Để nuôi chồn, chi phí ban đầu khá cao nhưng bù lại, quá trình nuôi không tốn kém nhiều. Bình quân, một con chồn cái sinh sản từ 3 - 6 con, 1 năm khoảng 2 lứa. Chồn nuôi giống khoảng 8 tháng có giá trung bình từ 30 triệu đồng/cặp. Còn với chồn nuôi lấy thịt thì khi chồn con khoảng 2 tháng, có trọng lượng từ 0,6 - 1kg là có thể bán với giá hơn 1,9 triệu đồng/kg. Sắp tới, gia đình tôi sẽ xuất bán 30 con chồn của lứa đầu tiên, dự kiến sẽ có thu nhập khá".
Các mô hình kinh tế của gia đình anh Bình, anh Trường cho thấy, việc tìm tòi, đổi mới sản xuất, chăn nuôi các loài vật mang lại giá trị kinh tế cao là điều cần được khuyến khích, nhân rộng. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình trên, người dân cần tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm nuôi, phòng trừ bệnh tật, tìm kiếm đầu ra… từ đó, tự tin phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.
Được biết, toàn xã Tân Lâm Hương hiện có hơn 10 mô hình kinh tế có doanh thu trên 100 triệu đồng. Ngoài các mô hình kinh tế truyền thống như lợn, bò, gà…, người dân trên địa bàn đã tìm hiểu và phát triển nhiều mô hình mới như ốc bươu đen, chồn hương, ếch Thái Lan… Thành công của các mô hình đã tạo sự bứt phá trong nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp của xã ven đô, đồng thời, tạo nên diện mạo mới cho việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Ninh - Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết: “Những năm gần đây, địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế. Từ những thành công của mô hình nuôi ếch, nuôi ốc hay chồn hương đã góp phần đa dạng hóa vật nuôi, giúp người dân phát triển kinh tế. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân tìm hiểu, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả để mở rộng chăn nuôi sản xuất, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới”.