Tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh, anh Phạm Minh Đức (34 tuổi) đã có 9 năm làm việc tại một vài cơ quan Nhà nước ở TP Hà Tĩnh. Thời gian làm việc khá dài, mức thu nhập, môi trường làm việc và các đồng nghiệp đều ổn nhưng anh Đức vẫn nhận thấy công việc chưa thực sự phù hợp với sở trường, chuyên môn của bản thân.
Anh Đức cho biết: “Gia đình vẫn muốn tôi làm việc trong cơ quan Nhà nước để có sự ổn định về lâu dài, nhưng bản thân tôi vẫn luôn muốn thử sức mình ở lĩnh vực kinh doanh theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Và đầu năm 2022, tôi đã quyết định nghỉ việc để đầu tư kinh doanh lĩnh vực đào tạo, cung ứng nhân lực xuất khẩu lao động cho thị trường Nhật Bản cùng với những người bạn của mình”.
Thời điểm đó, lĩnh vực kinh doanh mà anh Đức lựa chọn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng có lẽ đó cũng chính là thử thách để anh Đức rèn luyện bản lĩnh và bước vào thương trường một cách vững vàng hơn.
Anh chia sẻ: “Được làm công việc yêu thích, đúng sở trường, linh hoạt về thời gian khiến tôi thấy thoải mái hơn. Tôi nghĩ, dù làm việc ở cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thì cái quan trọng nhất vẫn là sự đam mê, trách nhiệm và cống hiến”.
Không chỉ bản thân anh Đức lựa chọn làm việc bên ngoài khối cơ quan Nhà nước mà vợ anh là chị Trần Thị Liễu (34 tuổi) cũng quyết định nghỉ việc ở ngân hàng để học và theo đuổi nghề trang điểm tại nhà. Sau một thời gian làm công việc tự do này, chị Liễu đã có một lượng khách hàng nhất định, thu nhập đều tay.
Lựa chọn công việc ở các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân hoặc làm việc tự do, bán thời gian như vợ chồng anh Đức - chị Liễu đang trở thành xu hướng được nhiều người trẻ lựa chọn.
Cũng từng là nhân viên văn phòng tại một công ty với thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, chị Trần Phương Mai (30 tuổi - TP Hà Tĩnh) đã quyết định nghỉ việc và trở thành một freelancer (người làm việc tự do). Chị thường nhận công việc liên quan đến mảng truyền thông cho các đơn vị, doanh nghiệp như: xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm, chạy bài quảng cáo trên website và nền tảng mạng xã hội...
Chị Phương Mai chia sẻ: “Công việc này cho phép tôi làm việc bất cứ nơi đâu mà không cần phải đến văn phòng. Tôi cũng có thể nhận hoặc từ chối công việc tùy vào khả năng và điều kiện thực tế của mình mà không bị ràng buộc nhiều, có thời gian dành cho gia đình và bản thân. Tuy nhiên, làm việc “tự do” là đồng nghĩa với “tự lo” bởi giờ đây, tôi không còn được hưởng lương hay các khoản phúc lợi của cơ quan, doanh nghiệp, phải tự chịu trách nhiệm, thiệt hại từ những dự án, hợp đồng không thành công”.
Chia sẻ đó của chị Phương Mai cũng cho thấy một thực tế, làm công việc tự do, theo sở trường và đam mê sẽ mang lại cho cá nhân những lợi ích nhất định, nhưng đổi lại, họ cũng mất đi nhiều cơ hội như: thu nhập ổn định thường xuyên, sự kết nối với đồng nghiệp, khó khăn hơn trong hành trình phát triển bản thân...
Với những lao động trẻ chịu áp lực kém, dễ quay đầu, nhảy việc thường xuyên, không có kế hoạch rõ ràng cho bản thân, không có khả năng quản lý tài chính, thời gian thì lựa chọn công việc tự do có vẻ là một sự mạo hiểm.
Cuộc sống hiện đại, xã hội phát triển mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người trẻ. Dù chọn làm việc trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay là một freelancer thì điều quan trọng nhất để thành công vẫn là sự nỗ lực, chỉn chu và trách nhiệm với lựa chọn của mình.