Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư BOT khi triển khai thu giá dịch vụ lại không triển khai bán vé tháng, vé quý.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng phản ánh, dù doanh nghiệp đã đề xuất nhiều lần nhưng chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không đồng ý bán vé tháng, quý.
Tính trung bình, doanh nghiệp có vài trăm xe chạy tuyến cao tốc này với tần suất 2 lần đi - về, riêng chi phí vé lượt chiếm khoảng 20% doanh thu nên không lãi được là bao. Trong khi nếu được mua vé tháng, quý, chi phí này chỉ chiếm khoảng 2-3%.
Việc không bán vé tháng theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Mỗi chuyến xe phải mua vé lượt đến 2 lần, mất hơn 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu mua vé tháng chỉ trả khoảng 1,2 triệu đồng/xe (loại xe chở hàng bằng container 20 feet) và không hạn chế số lượt xe qua lại trạm thu phí.
"Chính vì vậy, doanh nghiệp vận tải hàng hóa Hải Phòng ít đi tuyến cao tốc này mà chọn tuyến đường 5 cũ có giá rẻ hơn", ông Tiến nói.
Kết quả kiểm tra, giám sát việc bán vé tại các trạm thu giá BOT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, không chỉ riêng tuyến cao tốc, nhiều tuyến đường được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) vẫn còn chậm triển khai vé tháng, vé quý.
Cụ thể, trạm thu giá tại Km 2016 400 của Công ty CP Đức Thành Gia Lai thu hoàn vốn cho Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước theo hình thức BOT.
Hay như trạm thu giá quốc lộ 1K thu hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ1K đoạn Km 3 300 - Km 12 987 (không bao gồm cầu Hóa An) trên địa phận các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh còn không thực hiện việc bán vé tháng, vé quý.
Lý giải về việc không thu phí, ông Nguyễn Trọng Đoàn, Chủ tịch HĐTV Công ty BOT quốc lộ 1K cho rằng, mức đầu tư cho tuyến đường lên đến trên 390 tỷ đồng, thời gian thu phí có 17 năm. Nếu bán vé tháng, doanh thu sẽ giảm từ 30-40%. Cần tăng thời gian thu phí lên 24 năm thì công ty mới có thể giải quyết bán vé tháng.
Còn ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, có tình trạng này là do nhà đầu tư muốn hạn chế ngày bán để không bị sụt giảm doanh thu.
Trước đây, Thông tư 159 quy định người dân mua bất kỳ ngày nào trong tháng cũng chỉ đến ngày cuối cùng của tháng là hết hạn. Thông tư 35 gần đây đã khắc phục việc này bằng quy định phải tính tròn một tháng, dù mua bất kỳ ngày nào. Nhiều nhà đầu tư đang lợi dụng không tính theo Thông tư 35 mà lại tính theo Thông tư 159.
Về bán vé tháng, quý đối với các trạm thu giá đường bộ, ông Huyện lý giải, đa số các trạm thu giá BOT hiện đang thu theo phương thức thu hở. Nhược điểm của cách thu này là không biết người tham gia giao thông đi hết bao nhiêu km đường, nên phải quy định bán vé tháng, vé quý. Ngược lại, đối với các tuyến cao tốc, trừ tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, đều thu theo phương thức thu kín, xe đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu nên không cần phải quy định bán vé tháng, vé quý.
"Chỉ có trạm BOT trên đường cao tốc mới được bán vé theo lượt, còn lại tất cả các trạm thu phí khác đều phải thực hiện bán vé tháng theo quy định", ông Huyện nói.
Trước đó, đầu tháng 11/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản phê bình 4 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Đầu tư cầu Mỹ Lợi, Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận, Công ty TNHH BOT QL1K, Công ty CP Đức Thành Gia Lai vì thực hiện bán vé tháng, vé quý không đúng quy định tại Thông tư số 35/2016.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện việc bán vé tháng, vé quý theo đúng quy định. Đồng thời, thông báo công khai, niêm yết các thông tin về mức giá.
Bộ cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các đơn vị theo thẩm quyền.