Tiêu thụ tăng sau khi gắn “sao” OCOP
Từ chỗ nghề truyền thống, sau khi thành lập HTX, cơ sở chế biến thủy sản của chị Hồ Thị Thu (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, từ khi tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận 3 sao, thương hiệu nước mắm Thu Hùng ngày càng được khách hàng gần xa biết đến và tin dùng.
Công nhân chế biến nước mắm tại HTX Dịch vụ, chế biến hải sản Thu Hùng
Bà Hồ Thị Thu - Giám đốc HTX Thu Hùng cho hay: “Sản phẩm nước mắm của chúng tôi được công nhận OCOP 3 sao từ tháng 12/2019. Sức tiêu thụ nhờ vậy cũng tăng lên đáng kể. Từ đầu năm đến nay, HTX đã bán ra khoảng 3.000 lít nước mắm. Hiện nay, chúng tôi đang làm hồ sơ đối với sản phẩm mực khô và tôm nõn”.
Từ khi trở thành sản phẩm OCOP, nước mắm Thu Hùng được đầu tư mẫu mã đẹp và chất lượng được nâng cao
Cũng đạt chứng nhận OCOP 3 sao từ tháng 12/2019, hiện nay, gạo Cẩm Thành của HTX Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại Cẩm Thành đã có mặt ở khắp thị trường Hà Tĩnh, Hà Nội, Huế.
Sản phẩm gạo Cẩm Thành được bán tại các cửa hàng OCOP trong toàn tỉnh và được khách hàng tin dùng
Ông Đặng Thế Thanh – Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại Cẩm Thành chia sẻ: “Từ khi tham gia OCOP, sản phẩm được đầu tư về mẫu mã, nâng cao về chất lượng nên được khách hàng ưa chuộng. Tiêu thụ tăng nên vùng liên kết 5 ha của HTX không đủ để cung cấp sản lượng theo nhu cầu của thị trường. Chúng tôi đang làm việc với chính quyền địa phương để mở rộng vùng liên kết, quy mô sản xuất”.
Rượu sim Thanh Bảo (xã Yên Hòa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao
Đến thời điểm này, Cẩm Xuyên có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là: nước mắm Thu Hùng (Cẩm Nhượng), rượu sim Thanh Bảo (xã Yên Hòa) và gạo Cẩm Thành. Ngoài các sản phẩm đã đạt chứng nhận, địa phương đang đề xuất 14 sản phẩm chủ lực có khả năng xây dựng thành sản phẩm OCOP năm 2020, bao gồm: gạo Xuyên Hương, tôm nõn Thu Hùng, mực khô Thu Hùng, mực một nắng Cửa Nhượng, tinh dầu sả chanh Tâm Mộc Hương, nước mắm Vinh Vân, nước mắm Tuệ Loan, nước mắm Lương Cẩn, nước mắm Phượng Dũng, dầu lạc Liễu Uyển, ổi Đinh Phùng, rượu nếp Thanh Bảo, cà muối mắm Tuệ Loan, giò lụa Thanh Hải. |
Chú trọng phát triển vùng nguyên liệu
Các sản phẩm OCOP của huyện Cẩm Xuyên đã và đang xây dựng đều dựa trên thế mạnh huyện lúa và khai thác chế biến thủy sản. Để phát triển “dài hơi” các sản phẩm, hiện nay, huyện Cẩm Xuyên đang chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung ở 2 lĩnh vực: trồng trọt và đánh bắt.
Chợ cá Cồn Gò là vùng nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản của nhiều sản phẩm OCOP của Cẩm Xuyên
Theo đó, ở vùng nguyên liệu chế biến thủy sản, địa phương đang triển khai đề án nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ ngư dân trong chuyển đổi tàu thuyền để nâng cao sản lượng khai thác thủy sản.
Trong trồng lúa, với thế mạnh huyện có diện tích canh tác lúa lớn nhất toàn tỉnh, Cẩm Xuyên đang chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với doanh nghiệp từ khâu giống đến bao tiêu sản phẩm. Toàn huyện hiện có khoảng 1.000 ha lúa liên kết.
Thu hoạch lúa chất lượng cao ở xã Cẩm Thành phục vụ chế biến gạo OCOP Cẩm Thành
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lê Văn Danh cho hay: Những vùng trồng lúa liên kết cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn các vùng khác. Từ xây dựng sản phẩm OCOP, địa phương bắt đầu tìm ra hướng đi riêng trong phát triển nông nghiệp. Chúng tôi tìm hiểu thị trường để đưa vào canh tác những loại gạo được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong canh tác, huyện cũng chỉ đạo đồng nhất theo hướng chuyên canh tập trung để đạt năng suất cao nhất.
Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh sấy nguyên liệu phục vụ cho chế biến gạo Xuyên Hương
Cùng với việc chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, để giúp các sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường, tháng 6 vừa qua, Cẩm Xuyên đã thành lập cửa hàng OCOP tại Khu du lịch biển Thiên Cầm.
Cửa hàng OCOP tại Khu du lịch biển Thiên Cầm thu hút khách hàng tham quan mua sắm
Thời gian tới, huyện dự kiến sẽ thành lập thêm cửa hàng OCOP tại thị trấn Cẩm Xuyên nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.