Video: Người dân xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) chia sẻ niềm vui thu hoạch các sản phẩm trước tết Nguyên đán.
Vợ chồng anh Hoàng Xuân Lĩnh ở thôn Đồng Trụ Đông đang thu hoạch kiệu.
Vùng đất trồng màu của thôn Đồng Trụ Đông (xã Kỳ Đồng) đã bước vào mùa thu hoạch kiệu được hơn 1 tuần nay. Vụ này, thương lái đến mua kiệu tại ruộng với giá 15-16 ngàn đồng/kg.
Gia đình anh Hoàng Xuân Lĩnh là một trong những hộ trồng kiệu nhiều nhất với 7 sào được đầu tư thâm canh, năng suất cao hơn mức bình quân. Mỗi sào anh thu hoạch được 1 - 1,3 tấn, cho thu nhập gần 20 triệu đồng.
Cây kiệu ở Kỳ Đồng năm nay vừa được mùa, vừa được giá; thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.
“Câu kiệu khá dễ trồng, đầu tư vốn ít, không bị sâu phá hại nên khá an toàn, tuy nhiên cũng mất khá nhiều công sức chăm sóc, thu hoạch. Gia đình tôi trồng với diện tích lớn, tuy vất vả nhưng thu nhập cao hơn nhiều cây trồng khác” - anh Lĩnh cho biết.
Cây kiệu đã gắn bó với nông dân Kỳ Đồng từ rất lâu, trở thành sản phẩm truyền thống của người dân địa phương. Ông Trần Xuân Lộc - Thôn trưởng thôn Đồng Trụ Đông cho biết, toàn thôn có hơn 270 hộ trồng kiệu trên diện tích hơn 7 ha. Tháng 7 xuống giống, đến tháng 12 kiệu bắt đầu cho thu hoạch, vừa đúng tầm chuẩn bị tết nên nhà nào cũng có tiền sắm tết. Hiện nay, thôn đã thành lập tổ hợp tác trồng kiệu và đang từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống này.
Vườn gừng của gia đình chị Võ Thị Lành ở thôn Đồng Trụ Tây cũng đang vào mùa thu hoạch.
Cùng thời điểm trồng và thu hoạch với cây kiệu, cây gừng cũng đang mang lại giá trị thu nhập khá cho hơn 50 hộ ở các thôn: Đồng Trụ Đông, Đồng Trụ Tây, Hải Vân... Thời điểm này, thương lái ở thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh và ở tận Quảng Bình đã đến đặt mua tại vườn.
Mới đưa vào trồng 3 năm nay nhưng cây gừng đang có triển vọng được nhân rộng vì giá bán khá cao, nhất là ở những khu đất vườn diện tích tương đối lớn.
Gia đình chị Lành trồng gừng đã 2 năm nay; vụ này thời tiết khắc nghiệt nên năng suất có giảm nhưng bù lại giá bán lại cao hơn mọi năm.
Với 750m2 đất vườn chuyên trồng gừng, chị Võ Thị Lành ở thôn Đồng Trụ Tây ước tính năm nay thu hoạch được hơn 1,5 tấn, cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng.
“Ngoài việc lo bón phân ban đầu thì cây gừng không mất thời gian chăm sóc, ít sâu bệnh, giá bán còn cao hơn cả cây kiệu nên vụ tới nhiều người đang đặt giống để nhân rộng diện tích” - chị Lành cho biết.
Cây gừng đang được đánh giá là loại cây trồng nhiều triển vọng của xã “đô thị” Kỳ Đồng.
Hiện nay, sản phẩm cho thu nhập cao nhất của nông dân xã Kỳ Đồng là ổi Đài Loan. Với gần 200 hộ tham gia trồng, cây ổi đang phủ kín nhiều diện tích vườn của người dân trong xã.
Dịp này, trung bình mỗi gia đình ở đây thu hoạch được vài tạ ổi, bán với giá 20 ngàn đồng/kg. Anh Nguyễn Xuân Lộc - chủ vườn ổi ở thôn Hải Vân cho biết: "Gia đình tôi trồng ổi từ 4 năm nay với 130 gốc. Từ ngày cải tạo vườn để trồng ổi hàng hóa, người dân Kỳ Đồng có nguồn thu ổn định. Nhất là cứ đến dịp tết, bà con luôn có sẵn tiền chi tiêu, mua sắm”.
Mặc dù mới du nhập và phát triển nhưng cây ổi Đài Loan đã thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng và đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân xã Kỳ Đồng.
Ông Trần Văn Nhận - phụ trách khuyến nông xã Kỳ Đồng cho biết: Từ khi Kỳ Đồng trở thành trung tâm huyện mới, người dân đã bắt nhịp khá nhanh với chủ trương chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất phù hợp với nông dân đô thị.
Ngoài một số đã chuyển sang kinh doanh hoặc hình thành các nhóm thợ phát triển các nghề phụ, những người ở lại gắn bó với ruộng vườn cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhất là khai thác tối đa tiềm năng đất vườn để phát triển kinh tế.
Tết này, người làm vườn xã Kỳ Đồng hết sức phấn khởi bởi có thu nhập cao từ các loại cây trồng hàng hóa.
Cây ăn quả, rau màu đã phủ xanh hàng trăm khu vườn, mùa nào sản phẩm đó, mang đến cho bà con thu nhập quanh năm. Trong đó, dịp tết Nguyên đán, nhiều sản phẩm thu hoạch, được giá, được thu mua thuận lợi đã tạo sự phấn khởi cho bà con.
Xã đang tiếp tục khuyến khích người dân tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tranh thủ các chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ hợp tác sản xuất để tiến tới hình thành các tuyến sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định.
Trước mắt, Kỳ Đồng đang xây dựng sản phẩm ổi đạt tiêu chuẩn OCOP, tiếp đó sẽ từng bước xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm đặc trưng và hỗ trợ người nông dân bắt nhịp nhanh với lợi thế, cơ hội của vùng trung tâm để có thu nhập cao hơn từ chính khu vườn, mảnh ruộng của mình.