Nói thách - trả giá là điều diễn ra hàng ngày tại các chợ truyền thống
Tại chợ Hà Tĩnh, từ hàng quần áo, giày dép đến các quầy hàng đồ tươi, đồ khô…, người mua không tìm thấy hoặc phải chú ý lắm mới tìm ra bảng giá của sản phẩm. Cũng có thể bảng giá được các chủ quầy hàng chuẩn bị sẵn sàng để “qua mặt” các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng vào các dịp lễ, tết.
Tuy nhiên, khi không có các cơ quan chức năng kiểm tra, những bảng giá đó… không tồn tại. Đây cũng là thực trạng chung ở các chợ trên địa bàn tỉnh. Vậy nên, khi đi mua tại chợ, nhiều người sẽ được người thân khuyến cáo “đòi cả trả nửa, thậm chí là trả một phần ba thì may ra sẽ không bị hớ!”.
Khi thắc mắc vì sao không thực hiện quy định về niêm yết giá, chị Lê Thị Dung (chủ quầy hàng giày dép tại chợ Hà Tĩnh) cho biết: “Hàng hóa nhiều nên nếu trưng bày bảng giá sẽ chiếm diện tích lớn của quầy. Trong khi đó, nếu niêm yết giá trực tiếp trên từng sản phẩm thì rất mất công bởi giá cả hàng hóa biến động theo từng ngày. Hơn nữa, khi chúng tôi niêm yết thì người mua vẫn cứ trả giá nên rất khó bán…”.
Các sản phẩm quần áo không được niêm yết giá
Niêm yết giá là một chuyện, còn mua – bán theo giá niêm yết hay không lại là chuyện khác. Theo chia sẻ của một chủ quầy hàng quần áo, có khi giá niêm yết của một chiếc áo là 100 nghìn đồng nhưng vẫn bán 80 nghìn hoặc thấp hơn. Làm thế để dễ mua bán hơn bởi nhiều người mua hàng có tâm lý thích trả giá, nên người bán phải “nói thách” thì mới bán được hàng.
Họa hoằn lắm mới thấy bảng giá nhưng lại được treo tận trên cao
Việc không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết là một trong những yếu tố khiến chợ truyền thống "mất" khách. Anh Lê Văn Nam (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mình thật sự “sợ” chợ tỉnh (Chợ TP Hà Tĩnh - PV) vì nhiều lần mua hớ với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật của sản phẩm. Cùng một đôi giày thể thao nhưng mình mua đến gần 300 nghìn đồng, trong khi vợ mình mua chỉ hơn 100 nghìn. Cho nên, để an toàn thì các cửa hàng lớn, siêu thị là nơi mình lựa chọn…”.
Giá biến động theo từng ngày cũng là nguyên nhân của việc người bán "quên" niêm yết giá
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Khang - Phó trưởng Ban quản lý chợ Hà Tĩnh thừa nhận: “Mặc dù Ban quản lý chợ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhưng các hộ kinh doanh vẫn đang thực hiện theo hình thức đối phó, chưa thực chất, chưa xuất phát từ ý thức. Ngoài ra, do chưa kiểm soát được giá đầu vào nên việc niêm yết giá cũng chưa phù hợp, người tiêu dùng không mấy tin tưởng vào bảng giá người bán đưa ra…”.
Để việc quản lý niêm yết giá được thực hiện nghiêm túc, trở thành ý thức của tiểu thương thì cơ quan chức năng cần mở đợt ra quân sâu rộng, vừa kiểm tra, xử phạt, vừa nâng cao ý thức cho tiểu thương trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần thông thái hơn, trở thành kênh thông tin giúp ngành chức năng vào cuộc xử lý để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Nghị định 49/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (đối với vi phạm không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết theo quy định, niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Nếu niêm yết không đúng giá (không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa, thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định) đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, mức phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng. |