Hà Tĩnh có nhiều bệnh viện tuyến huyện thuộc hạng II nên việc có sáp nhập để thành trung tâm y tế hay không đang là còn nhiều vướng mắc.
Hà Tĩnh bắt tay triển khai xây dựng đề án thành lập TTYT cấp huyện theo hướng xây dựng TTYT đa chức năng, có thể gồm: Y tế dự phòng, dân số, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và các trạm y tế sẽ trực thuộc trung tâm này.
Đến nay, ngành đã tổ chức góp ý, thẩm định đề án của các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh và TX Kỳ Anh. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp một số vướng mắc mang tính khách quan chưa thể tháo gỡ.
Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) quy định mỗi cấp huyện chỉ có một TTYT đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có hướng dẫn thực hiện.
Các Quyết định 2348-QĐ/TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới và Thông tư liên tịch số 51/2015, ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế thuộc UBND cấp tỉnh và phòng y tế thuộc UBND cấp huyện lại đang quy định chung chung.
Các văn bản chưa quy định thống nhất các bệnh viện đạt hạng II cấp huyện trở lên có sáp nhập để thành lập TTYT cấp huyện hay để riêng. Trong khi đó, theo định hướng chung của tỉnh, các bệnh viện hạng II, hạng III trên địa bàn huyện có thể là thành phần sáp nhập để thành lập TTYT cấp huyện.
Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh đã tự chủ chi thường xuyên nên nếu sáp nhập, thành lập trung tâm y tế sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong cơ chế quản lý tài chính, con người.
Còn về chủ thể quản lý TTYT cấp huyện, Thông tư liên tịch số 51/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định: TTYT huyện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở y tế. Trong khi, Thông tư số 37/2016, ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTYT huyện, quận, thị xã, thành phố lại quy định: TTYT huyện chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của sở y tế; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị y tế tuyến tỉnh, trung ương; chịu sự quản lý nhà nước của UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật.
Còn theo định hướng của tỉnh Hà Tĩnh thì TTYT đa chức năng cấp huyện lại là đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện.
Theo ông Lê Chánh Thành - Trưởng phòng Tổ chức (Sở Y tế Hà Tĩnh), chính việc chưa có các văn bản của trung ương cụ thể hóa các nội dung về mô hình TTYT đa chức năng cấp huyện, chưa thống nhất việc các huyện, thành phố, thị xã có hay không việc duy trì bệnh viện hạng II trở lên khi thành lập TTYT cấp huyện đã khiến cho việc triển khai xây dựng đề án gặp khó khăn, vướng mắc.
Việc thành lập trung tâm y tế cấp huyện sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
Tại hội nghị tổng kết công tác ngành y tế Hà Tĩnh năm 2019, hầu hết các ý kiến đều bày tỏ băn khoăn khi việc triển khai thành lập TTYT cấp huyện đang gặp nhiều vướng mắc, chưa rõ ràng, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, y, bác sỹ.
Giải đáp các nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cho biết, ngoài những vướng mắc về pháp lý, chủ thể quản lý thì cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính của trung tâm cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Bởi, hiện nay, phần lớn các bệnh viện Hà Tĩnh đã tự chủ chi thường xuyên (nhóm II), trong khi các TTYT dự phòng và trung tâm KHHGĐ lại đang hưởng từ ngân sách. Chính vì vậy, hiện nay, tỉnh tiếp tục xin ý kiến của trung ương và bàn kỹ các giải pháp tháo gỡ phù hợp với thực tiễn trên tinh thần thận trọng, chắc chắn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.