“Tứ trụ” giới sử học từ trái qua phải: GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn và GS Phan Huy Lê chụp ảnh cùng vợ chồng GS Trần Văn Giàu năm 1996. Ảnh chụp năm 1996 do GS Lê cung cấp.
Đó là năm 1982, lớp Sử K26 của chúng tôi thực tập khảo cổ học tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi được giao khai quật một di chỉ khảo cổ học tại thôn gần biển Hậu Lộc, dưới sự chỉ dạy, giám sát của Giáo sư Hà Văn Tấn.
Sau giờ học, sinh viên chúng tôi thay nhau nấu cơm. Thức ăn chả có gì, sang nhất và ngon nhất là canh hến nấu với lá khoai lang non. Bữa đó, mấy bạn trai trực nấu cơm. Các bạn vụng về chẳng biết đãi gạo. Đang ăn, bỗng Thầy kêu “ối” và lôi ra một mảnh sạn to đùng. Cả lớp tái xanh mặt, tưởng Thầy “quạt” cho một trận. Đúng lúc đó, Thầy cười vang và nói rất hài hước: “Mình khai quật được một mảnh tước”. Cả lớp cùng cười. Từ hôm đó, cánh nữ chúng tôi chịu khó vào bếp để không mắc phải sự cố “mảnh tước”.
Giáo sư sử học Hà Văn Tấn (1937-2019). Ảnh internet
Năm thứ ba, chúng tôi học chuyên ngành. Vì rất hâm mộ thần tượng “tứ trụ”, tôi đã chọn ngành Lịch sử cổ trung đại Việt Nam để được nghe các thầy giảng nhiều hơn. Khi kết thúc chuyên đề của mình, Giáo sư Phan Huy Lê căn dặn: Ngày mai đến chuyên đề của Giáo sư Hà Văn Tấn. Thầy Tấn là giáo sư rất nghiêm túc, các trò nhớ đến đúng giờ!
Tất cả chúng tôi đều đến giảng đường đúng giờ và lắng nghe Giáo sư Hà Văn Tấn giảng chuyên đề “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông”. Đây là công trình nổi tiếng của Thầy Tấn và cô Tâm. Những lời giảng của Thầy đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về tài trí, lòng quả cảm, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”.
Giờ đây, nghe tin Giáo sư Hà Văn Tấn qua đời, nhiều thế hệ sinh viên Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp năm xưa nghẹn ngào thương nhớ người thầy đã góp phần to lớn tạo dựng, đưa nền sử học Việt Nam có thứ hạng trên thế giới và khu vực.
Sự ra đi của Thầy càng làm cho chúng tôi trống vắng hơn khi Thầy là người cuối cùng trong số 4 giáo sư “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam về với tổ tiên.