Sinh ra không thể đi lại như bình thường nên ngay cả việc vui đùa, tập thể dục với bạn bè cũng là một ước mơ với em Nguyễn Thị Linh
Có mặt tại Trường THPT Lý Tự Trọng vào giờ ra chơi, chúng tôi bắt gặp em đang ngồi một mình trong lớp học, mắt hướng nhìn ra sân trường. Dáng người nhỏ bé như đang thu mình lại phía sau khung cửa sổ. Phía ngoài kia là bạn bè cùng trang lứa với em đang tập các động tác thể dục giữa giờ.
Tập thể dục, một điều tưởng chừng như rất đơn giản, thì với người mang trong mình căn bệnh bại não hệ vận động như em, đó là cả một ước mơ.
Để đi lại, em cần bạn bè giúp đỡ hoặc phải bám vào lan can, bờ tường
Sinh ra không may mắn khi cơ thể mang bạo bệnh, không thể đi lại bình thường, gia đình em Nguyễn Thị Linh chạy vạy khắp nơi để có thể chữa trị cho em.
Khó khăn lại chồng chất khó khăn với gia đình Linh khi năm em lên 4 tuổi, bố mang bệnh hiểm nghèo và qua đời.
Nén nỗi đau thương, một mình mẹ của em - chị Nguyễn Thị Tuấn (SN 1979) vẫn kiên trì tìm kiếm những suất phẫu thuật do các tổ chức từ thiện tài trợ, mong một ngày con được đi lại bình thường trên chính đôi chân của mình.
Tuy nhiên, sau 10 ca phẫu thuật tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Huế, bệnh tình của em không đỡ được bao nhiêu.
Em Nguyễn Thị Linh rất có ý thức trong học tập
Tới nay, em sống cùng mẹ và em trai trong ngôi nhà do anh chị em, họ hàng chung tay giúp đỡ, xây dựng.
Gia đình em vẫn thuộc diện cận nghèo. Tiền ăn học, sinh hoạt của cả nhà phụ thuộc vào 400 nghìn tiền trợ cấp hàng tháng và thu nhập ít ỏi từ nghề hàng xáo của mẹ.
Khó khăn là thế nhưng em Nguyễn Thị Linh luôn ý thức được việc học là con đường duy nhất để vươn lên trong cuộc sống, để có thể xóa bỏ được rào cản. Vượt qua những tự ti về bản thân, những khó khăn về kinh tế gia đình, suốt nhiều năm, cô nữ sinh tật nguyền vẫn cần mẫn tới trường với mong muốn tìm kiếm cho mình những con chữ, những kiến thức mới. Chiếc xe lắc cũ đã gắn bó với em suốt 6 năm qua.
Bạn bè, thầy cô chính là nguồn động viên to lớn đối với em
Linh chia sẻ: “Đã không ít lần em cảm thấy tủi thân, nhìn ra cửa sổ thấy bạn bè đùa vui mà bật khóc. Những lúc như vậy chỉ biết tự nhủ là sẽ quen để tiếp tục cố gắng. Sự giúp đỡ, động viên của thầy cô, bạn bè đã tiếp thêm động lực lớn để em tới trường mỗi ngày”.
Để hỗ trợ em trong học tập cũng như cuộc sống, Trường THPT Lý Tự Trọng đã có ưu tiên, miễn các khoản học phí cho em, đưa em vào danh sách nhận các phần quà, học bổng từ các nhà hảo tâm, thăm hỏi gia đình vào các dịp lễ, tết. Thầy cô, bạn bè thường xuyên giúp đỡ em trong học tập cũng như cuộc sống hằng ngày.
Mỗi ngày, em Nguyễn Thị Linh lại tới trường trên chiếc xe lăn trên quãng đường gần 2km, không kể nắng mưa
Giáo viên chủ nhiệm lớp 11A8 Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Những nỗ lực của em thực sự rất đáng khâm phục. Nhiều lúc mưa gió, nhìn bạn bè của em vội vã tới trường, còn em lặng lẽ khoác lên mình chiếc áo mưa, đều tay đẩy chiếc xe lăn để tới trường mà không kìm được nước mắt. Thầy cô cũng thường xuyên động viên em cố gắng, cứ tiếp tục cố gắng rồi thành công sẽ tới với em”.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, chúng tôi đều bất ngờ trước câu trả lời hồn nhiên của em. Em mong được vào đại học, sau này làm nhà báo, để được đi đến nhiều nơi, học hỏi nhiều điều và tìm hiểu những nét văn hóa mới.
Dẫu biết rằng với thể trạng như vậy, để chạm tay vào ước mơ của mình, em Nguyễn Thị Linh vẫn còn một chặng đường rất dài và nhiều chông gai ở phía trước.
Mong các cá nhân, tập thể cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ để em có được chiếc xe lắc mới cũng như điều kiện học tập tốt hơn, giúp em thực hiện được ước mơ theo học đại học của mình.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Em Nguyễn Thị Linh, học sinh lớp 11A8, trường THPT Lý Tự Trọng, trú tại thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (số điện thoại: 0857.296.158); hoặc Báo Hà Tĩnh, số 223 Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, số tài khoản: 0201000445566, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) - Chi nhánh Hà Tĩnh. |