Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải bằng hình thức BOT trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước còn khó khăn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng cũng như đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.
Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, các trạm phí được phép đưa vào sử dụng là vấn đề không phải bàn cãi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đặt trạm thu phí tại vị trí 2 cầu Bến Thủy như hiện nay đang tồn tại nhiều nghịch lý, người tham gia giao thông đang phải đóng phí cho các công trình mà họ không hề sử dụng.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy
Trong 5 dự án trên thì có 3 dự án nằm trên đất Nghệ An với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (tuyến tránh TP Vinh; cầu vượt đường sắt QL 46 - Nghệ An và cầu Yên Xuân) thì việc thu phí là hoàn toàn không hợp lý đối với các phương tiện tham gia giao thông của người dân các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và TX Hồng Lĩnh. Thực tế hiện nay, các phương tiện đi lại của nhân dân ở các địa phương trên khi qua cầu Bến Thủy I và II (được đầu tư bằng vốn nhà nước) không tham gia giao thông trên QL1 tuyến tránh TP Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh nhưng đã phải trả phí qua cầu nhiều năm nay.
Theo Pháp lệnh về thu phí và lệ phí cũng như các quy định pháp luật về sử dụng và cung ứng dịch vụ thì mỗi người chỉ phải trả một khoản phí nào đó khi họ sử dụng hoặc được cung cấp một dịch vụ tương ứng. Việc đặt trạm thu phí bất hợp lý này không chỉ vi phạm các quy định của Nhà nước mà còn tạo bất công cho nhân dân sinh sống ở khu vực hai bên cầu Bến Thủy khi họ phải trả phí cho những công trình mình không sử dụng, nhất là đối với đại đa số người dân Nghi Xuân và TP Vinh thường xuyên đi lại qua cầu Bến Thủy I.
Điều đáng nói nữa, theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 21/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 thì TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là đầu mối trung tâm quan trọng trong vùng. Việc xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các trung tâm đô thị của vùng với các khu vực động lực sản xuất như các khu công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế về nguyên tắc phải đảm bảo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, việc đặt 2 trạm thu phí như hiện nay là một trở ngại lớn cho việc đi lại, giao lưu văn hóa và kinh tế của người dân Nghi Xuân và TP Vinh.
Bản đồ vị trí dự kiến di dời trạm (2 chấm đỏ là vị trí dự kiến của 2 trạm mới)
Đây cũng là một lực cản rất lớn đối với sự phát triển của huyện Nghi Xuân, nhất là đối với việc phát triển đô thị và dịch vụ, du lịch. Thực tế cho thấy, trước đây, khu vực thị trấn Xuân An khá sầm uất, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ ven đô cho TP Vinh, giá đất hai bên cầu Bến Thủy tương đương nhau, nhưng từ khi có trạm thu phí Bến Thủy, các dịch vụ ở thị trấn Xuân An giảm dần, giá đất ở thị trấn Xuân An chỉ còn bằng khoảng 20-30% giá đất ở bên kia sông, đô thị gần như không phát triển.
Để giải quyết những bất cập này, qua khảo sát thực tế cũng như quan điểm của các nhà chuyên môn và lãnh đạo địa phương, một phương án hợp lý được đặt ra là di dời 2 trạm phí cầu Bến Thủy vào các vị trí xã Xuân Lam trên tuyến QL 1A cũ (tại khoảng lý trình Km 476) và xã Xuân Lĩnh (cùng thuộc huyện Nghi Xuân) trên tuyến QL 1A mới (tại khoảng lý trình Km 480). Theo phương án này khoảng cách của 2 trạm thu phí Bến Thủy (sau di dời) cách Trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Xuyên) hơn 60 km (ngắn hơn khoảng cách quy định là 70 km), nhưng trên thực tế, hệ thống quốc lộ cả nước có 86 trạm thu phí thì có 9 trạm (chiếm 10%) khoảng cách 60-70 km, 24 trạm (chiếm 28%) có khoảng cách nhỏ hơn 60 km.
Mặt khác, tuyến QL1 (cả tuyến cũ và mới) đi qua 2 trạm mới này là tuyến độc đạo nên tránh được hiện tượng lách trạm, đảm bảo được việc thu phí của nhà đầu tư. Điều quan trọng nhất là đảm bảo công bằng đối với đa số các đối tượng sử dụng hạ tầng trả phí vì qua khảo sát, người dân các địa phương lân cận như: Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chủ yếu là giao thương đi lại với các địa phương từ TP Vinh trở ra phía Bắc, lưu lượng phương tiện giao thương với huyện Nghi Xuân là không đáng kể nên việc thay đổi trạm như phương án này so với việc để nguyên vị trí trạm như cũ là rất ít bị ảnh hưởng và dễ chấp nhận được.
Được biết, hiện nay, Cienco 4 đang đề xuất dự án đầu tư cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam giữa tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đấu nối vào tuyến quốc lộ ven biển, theo hình thức PPP. Trong đó, hơn 1.000 tỷ đồng là từ vốn đầu tư BOT của Cienco 4, dự kiến sẽ thu hồi vốn qua Trạm thu phí cầu Cửa Hội và kéo dài thời gian thu phí cầu Bến Thủy I, II thêm khoảng 3 năm.
Nếu đề xuất của Cienco 4 được chấp thuận thì việc tính toán lại phương án tài chính qua các trạm thu phí là bắt buộc. Đây cũng là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và người dân xem xét lại phương án đặt các trạm thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và cộng đồng dân cư các địa phương hai bên cầu Bến Thủy và Cửa Hội.