Video: Những "bông hồng thép" của Điện lực Cẩm Xuyên
Công việc của chị Nguyễn Thị Hương (Đội Quản lý vận hành) mang đậm tính kỹ thuật, thường chỉ dành cho nam giới. Vậy mà các chị ví von nghề của mình giống như một “bác sỹ”, mà chiếc công tơ điện chính là “bệnh nhân”.
23 năm cầm kềm, tuốc – nơ - vít “chữa bệnh”, đôi bàn tay chị đã chai sần theo năm tháng, song chị luôn có niềm đam mê với công việc. Chị làm việc một cách thầm lặng, tỉ mỉ, kiên trì, tận tụy, theo dõi, đo đạc, kiểm tra các thông số kỹ thuật, tập trung mọi khả năng, trí tuệ, tay nghề của mình, sửa chữa những hư hỏng của thiết bị, tiết kiệm chi phí cho đơn vị và khách hàng.
Công việc mỗi ngày của các chị em là cùng với những đồng nghiệp nam sẵn sàng chuẩn bị đồ dùng, vật dụng để lên đường làm nhiệm vụ
Nhắc về những khó khăn của công việc chị Hương tâm sự, cảm giác đầu tiên khi bước lên trạm biến áp khiến chị vô cùng sợ hãi, không ghi nổi những con số trên trạm cao. Rồi mỗi khi thời tiết xấu, thời điểm lễ tết... lưới điện rất dễ bị sự cố. Để đảm bảo vận hành nguồn điện thông suốt an toàn, chị cùng các đồng nghiệp phải tập trung cao độ, mọi thông số chị đều phải phân tích, phán đoán nhanh điểm sự cố, khoanh vùng khắc phục, cấp điện trở lại một cách nhanh nhất và đảm bảo an toàn.
Hiểu rằng nghề không chọn nam hay nữ, chị Hương “thuần thục” những công việc nặng nhọc, nguy hiểm tưởng như chỉ cánh đàn ông mới có thể làm được.
“Đối với nghề điện lực, tuyệt nhiên không được phép chủ quan, mỗi sơ suất nhỏ, mỗi mệnh lệnh sai dù chỉ là 1 lần, đều có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người hay làm hư hỏng tài sản, thiết bị điện của nhà nước” - chị Hương chia sẻ.
Do tính chất công việc căng thẳng, có thời điểm chị chuyển công tác sang Đội Kinh doanh. Dù đi thu tiền điện ở các xã xa xôi, nhưng với sự quyết tâm, tình yêu, trách nhiệm với nghề cộng với sự động viên của gia đình, đồng nghiệp đã giúp chị vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của mình.
Mong ước của người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn này chỉ đơn giản là có thêm thật nhiều sức khoẻ để cống hiến, phát huy hơn nữa khả năng của mình trong công việc.
Nghề điện vất vả là vậy nhưng các chị chỉ ví công việc của mình của mình như “bác sỹ” còn những chiếc cột điện, công tơ chỉ là “bệnh nhân”.
Nghề điện đối với nam giới đã vất vả, với phụ nữ càng khắc nghiệt hơn, bởi công việc nguy hiểm, đòi hỏi sự tỉnh táo và tính kỷ luật nghiêm khắc, nhưng chị Nguyễn Thị Anh (nhân viên kinh doanh) đã chọn và dấn thân.
“Lúc đầu còn lúng túng, chưa quen, nhưng giờ sau nhiều năm rồi thì nữ công nhân nào cũng thuần thục kềm, máy khoan... không thua kém gì các đồng nghiệp nam. Dù đôi khi được phân công không phải leo trèo ở các cột cao hay làm những công việc nguy hiểm nhưng khi cần, chúng tôi vẫn phải đồng hành, hỗ trợ cùng các đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhất công việc, sớm đưa nguồn điện đến cho khách hàng”- chị Anh chia sẻ.
Giống như chị Hương, chị Anh, các chị em ở Điện lực Cẩm Xuyên không sợ cực, không sợ xấu, không mặc cảm khi làm nghề dành cho nam giới. Các chị luôn yêu nghề, gắn bó, yêu thương đồng nghiệp, vì lợi ích của khách hàng, sẵn sàng làm thêm giờ, đặc biệt vào những ngày cuối tuần hay trong những đợt cao điểm.
Đối với những nữ nhân viên kinh doanh, dù bận rộn với gia đình, con nhỏ nhưng các chị vẫn luôn sẵn sàng làm thêm giờ, nỗ lực hoàn thiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Điện lực Cẩm Xuyên cho biết: Dù là phụ nữ nhưng phải làm công việc nặng nhọc không thua kém nam giới, các chị em vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị rất khâm phục và ghi nhận. Nhờ những công việc lặng thầm của chị em mà công việc đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành.
Xen lẫn giữa những anh thợ điện áo cam là thấp thoáng những “bóng hồng” ngành điện trong hình dáng của những người phụ nữ hiện đại, năng động, không ngừng học hỏi. Lựa chọn và quyết tâm, sau tất cả họ chấp nhận những vất vả, hy sinh để hy vọng thắp sáng ước mơ của mọi nhà...