Ẩn họa từ ao hồ, sông suối…
Một bến sông, đập nước, ao, hồ, mương thậm chí là 1 vũng nước nhỏ cũng có thể trở thành "cái bẫy" chết người. Không có con số thống kê cụ thể nhưng ở vùng đất chảo lửa túi mưa, hạ tầng chưa đồng bộ, đi đâu cũng gặp ao, hồ, đập hay các vũng nước, mương nước. Cho đến khi nhận được thông tin về những vụ đuối nước thương tâm, chúng ta mới giật mình về những "chiếc bẫy" tự nhiên hết sức nguy hiểm này. Nhất là ở khu vực nông thôn, ao, hồ, sông, suối nhiều hơn, nguy hiểm hơn, bởi vậy trẻ em ở đây là đối tượng bị đuối nước nhiều nhất.
Sông Tiêm đoạn gần cầu Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh là một khúc sông nước đục, có nhiều vực sâu, đã từng có nhiều người chết đuối nhưng không có biển cảnh báo nguy hiểm.
Nơi chúng tôi đến trong chuyến công tác vừa qua là đoạn sông Tiêm chảy qua địa phận xã Lộc Yên (Hương Khê) – địa điểm xẩy ra vụ việc đau lòng khiến em Lê Hữu A. ở thôn 5 xã Phú Phong (Hương Khê) tử nạn. Đó là khúc sông nằm rất xa khu dân cư, mặc dù hoang vu, nước sâu và đục lại có nhiều vực sâu nhưng có nhiều cá nên người dân vẫn thường đến câu cá. Tại địa điểm này đã từng xẩy ra nhiều vụ việc đuối nước đau lòng với cả người lớn và trẻ nhỏ.
Bà Ngô Thị Đường – người dân thôn 5 xã Phú Phong cho biết: “Đoạn sông này trước đây bị người dân nổ mìn đánh cá nên có nhiều vực sâu rất nguy hiểm. Trượt chân xuống đó, người lớn có sức khoẻ, biết bơi còn khó bề xoay xở chứ chưa nói đến trẻ con. Vậy nhưng đến nay, địa phương chưa có các biển cảnh báo nguy hiểm và tuyên truyền, khuyến cáo để người dân tránh xa khu vực nguy hiểm này”.
Đập Xanh ở xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) - địa bàn vừa xẩy ra vụ đuối nước thương tâm hôm 4/5 vừa qua.
Trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn bến sông, bờ ao, bờ đập tự nhiên như thế, đồng nghĩa với hàng nghìn "chiếc bẫy" đang giăng sẵn mỗi ngày, sẵn sàng nuốt chửng cuộc sống của bất kỳ ai.
Đó là chưa nói đến những chiếc hố đang đào dở trên những công trình đang thi công dang dở, hay thậm chí chỉ một đoạn mương nhỏ trước cửa nhà sau một cơn mưa lớn cũng có thể là nơi mà trẻ em có thể mất đi sinh mạng vì đuối nước.
Năm 2017, 2 anh em ruột ở xã Cẩm Hưng cùng nhóm bạn đi chơi ở khu vực đang xây dựng Trường Tiểu học Cẩm Hưng đã thiệt mạng khi rơi xuống hố công trình đầy ắp nước. Tháng 3/2018, trong lúc chơi đùa, bé Nguyễn Đức Tr. (SN 2014), xã Phù Lưu (Lộc Hà) không may tử nạn khi trượt chân rơi xuống mương nước bên đường.
“Bẫy” ngay ở sự chủ quan của con người
Sự chủ quan mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là của chính quyền địa phương, của gia đình và chính các nạn nhân. Rất nhiều vụ đuối nước diễn ra tại những địa điểm mà mọi người nghĩ nó an toàn, hơn nữa nạn nhân lại là người quen với sông nước, đã biết bơi.
Điển hình như vụ việc mới xẩy ra hôm 4/4 tại thôn Đông Trà xã Hương Trà (Hương Khê) khiến 2 học sinh tử vong. 2 nạn nhân của vụ việc đau lòng này đều đã được học bơi ở trường và bơi khá thuần thục. Tuy nhiên, đó là trong hồ bơi của nhà trường – vốn dĩ nước nông và có sự giám sát của các thầy cô giáo. Nó khác xa với 1 hồ nước trong tự nhiên chứa đầy rẫy ẩn hoạ khó lường mà ở độ tuổi của các em chưa thể ứng biến được.
Đập Hốc Mây (Hương Trà - Hương Khê) sau hơn 1 tháng xẩy ra vụ đuối nước khiến 2 em học sinh tử vong vẫn chưa được cắm biển cảnh báo nguy hiểm
Chị Nguyễn Thị Kiều – người dân cạnh đập nước cho biết: “Đập nước này vốn dĩ nước nông, xưa nay người dân vẫn lội qua được nhưng giữa mặt nước do tác động của con người, gần đây có 1 số hố khá sâu. 2 nạn nhân vừa qua đều còn rất nhỏ tuổi, các cháu đến đây để bơi với suy nghĩ rất chủ quan nên mới xẩy ra tai nạn".
Cho đến tận thời điểm này, 2 ông bố của 2 nạn nhân ở Hương Trà vẫn cho rằng, con họ gặp nạn là có phần lỗi của chính quyền địa phương khi thiếu cảnh báo nguy hiểm. Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng, ngay sau vụ việc đáng tiếc ở đập nước Hốc Mây, mặc dù Chủ tịch UBND xã Hương Trà đã nhận trách nhiệm và khẳng định sẽ cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao hồ, mương nước, đập nước trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa hề có.
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính quyền địa phương khi chính cha mẹ lại chưa quản lý chặt chẽ con cái của mình, hoặc sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong giám sát con trẻ còn lỏng lẻo. Ở các vùng nông thôn, trẻ nhỏ vốn sống gần gũi với thiên nhiên từ nhỏ, đó cũng là nguyên nhân khiến các ông bố, bà mẹ chủ quan hơn trong việc quản lý hoạt động vui chơi của con cái mình. Anh Lê Hữu Đức – bố nạn nhân Lê Hữu A. cho biết: “Nếu như hôm xẩy ra sự việc, giữa nhà trường và gia đình có mối liên hệ chặt chẽ hơn thì tôi đã có thể nắm được thông tin nghỉ học buổi chiều của cháu để quản lý cháu tốt hơn”.
Trẻ em các vùng thôn quê vốn dĩ sống gần gũi với thiên nhiên, mùa hè nắng nóng thường ra sông, ra hồ lội nước mà không lường trước được những ẩn hoạ như vực sâu, xoáy nước có thể nhấn chìm mình bất cứ lúc nào. (Ảnh: Khánh Thành)
Mùa hè đến, những "chiếc bẫy" từ tự nhiên sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu những "chiếc bẫy" từ nhận thức của con người không được khắc phục. Và nếu như chính quyền các địa phương, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội chưa có giải pháp, hành động ngăn chặn cụ thể trên từng địa bàn thì những nỗ lực tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện truyền thông cũng bị vô hiệu hóa