Thông tư 03/2018 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội có hiệu lực từ 1/8, quy định về tiêu chuẩn viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, viên chức lĩnh vực này phải tận tụy với công việc, thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có tinh thần đoàn kết, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp...
Thông tư cũng yêu cầu viên chức phải công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực người học; có đủ sức khỏe và lý lịch rõ ràng.
Trường mầm non nước ngoài được nhận trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi
Từ 1/8 các trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được nhận trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh: Thế Đan |
Nghị định 86/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/8 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Theo Nghị định này, các cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học chương trình giáo dục của nước ngoài mà không giới hạn độ tuổi (Quy định hiện hành không cho phép tiếp nhận học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi vào học chương trình của nước ngoài).
Số học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh tại cơ sở. Ngoài ra, học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục nước ngoài phải được học các nội dung bắt buộc theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường lên gần 100 triệu đồng
Có hiệu lực từ 10/8, Thông tư 56/2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện.
Cụ thể, với dự án công trình dân dụng, mức thu từ 8 đến 84 triệu đồng; dự án hạ tầng kỹ thuật từ 8,6 đến 86 triệu đồng; dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi từ 8,8 đến 88 triệu đồng; dự án giao thông từ 9,2 đến 92 triệu đồng; dự án công nghiệp từ 9,6 đến 96 triệu đồng.
100% tiền phí thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.
Liên kết sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 10 tỷ đồng
Nghị định 98/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 20/8, quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo Nghị định này, các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản...); tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.
Nhà nước cũng hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng (bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết...).
Các bên tham gia liên kết được hỗ trợ phải đáp ứng đồng thời điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường...
Tăng mức trợ cấp cho người có công
Người có công với cách mạng sẽ được tăng trợ cấp từ 27/8. Ảnh: CTV |
Nghị định 99/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 27/8 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau: Tăng mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.417.000 đồng lên 1.515.000 đồng.
Với thay đổi trên, mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng của người có công với cách mạng được điều chỉnh như sau: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 thuộc diện thoát ly được tăng 110.000 đồng, diện không thoát ly tăng 186.000 đồng.
Trợ cấp tiền tuất với thân nhân của một liệt sĩ là: 1.515.000 đồng mỗi tháng (tăng 98.000 đồng); trợ cấp tiền tuất với thân nhân của ba liệt sĩ trở lên là: 4.545.000 đồng mỗi tháng (tăng 294.000 đồng).
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.270.000 đồng mỗi tháng (tăng 82.000 đồng); Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hưởng phụ cấp 760.000 đồng mỗi tháng (tăng 49.000 đồng).