Những “công dân đặc biệt” trong khu cách ly ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù môi trường, không gian sống thay đổi nhưng sự quan tâm, chăm sóc chu đáo từ đội ngũ nhân viên phục vụ và các công dân đang lưu trú đã giúp các thiên thần nhí nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới tại các khu tạm trú tập trung thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Những “công dân đặc biệt” trong khu cách ly ở Hà Tĩnh

Bé Trần Huỳnh Tuấn Kiệt (con trai chị Phạm Thị Hoa) là công dân nhỏ tuổi nhất tại điểm tạm trú tập trung Trường Mầm non thị trấn Thạch Hà (Ảnh NVCC)

Trưa 19/3, chuyến xe khách xuất phát từ tỉnh Chon Buri (Thái Lan) đưa mẹ con chị Phạm Thị Hoa và bé Trần Huỳnh Tuấn Kiệt (thị trấn Thạch Hà) cùng 28 người khác trở về quê hương Hà Tĩnh. Mẹ con chị được đưa vào điểm tạm trú tập trung tại Trường Mầm non Thị trấn Thạch Hà để đảm bảo an toàn trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Trong số 107 người tại khu cách ly, bé Tuấn Kiệt trở thành công dân nhỏ tuổi nhất khi mới hơn 7 tháng.

“Những ngày đầu chưa quen, bé có quấy khóc nhưng về sau con rất ngoan. May mắn, bé nhận được sự quan tâm của tất cả mọi người ở đây nên nhanh chóng quen thân với các cô, các bác”, chị Hoa chia sẻ.

Nỗi lo lớn nhất về các điều kiện đảm bảo cho con ở khu cách ly của người mẹ đã được xua tan bởi sự tận tình, chu đáo của đội ngũ phục vụ. Mỗi ngày, đồ ăn của cháu bé cũng thường xuyên được thay đổi để tránh nhàm chán và luôn đủ chất dinh dưỡng. Điều này khiến chị Hoa cảm thấy vô cùng ấm áp.

Tại điểm cách ly ở xã Thạch Hải, sự xuất hiện của bé Lê Thị Oánh Huyền - 8 tháng tuổi (con gái chị Nguyễn Thị Hiền - SN 1998 và anh Lê Văn Vũ - SN 1994) khiến căn phòng ấm áp hơn.

Những “công dân đặc biệt” trong khu cách ly ở Hà Tĩnh

Bé Lê Thị Oánh Huyền hiện đang cùng bố mẹ tạm trú tại Trường Mầm non Thạch Hải (Ảnh: NVCC)

“Vợ chồng tôi làm ăn, sinh sống tại tỉnh Buri Ram (Thái Lan). Mặc dù trong vùng chưa có người bị nhiễm bệnh nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc làm ăn gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi quyết định trở về. Ngày 24/3, sau khi nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, cả gia đình được đưa đến tạm trú tại Thạch Hải”, chị Hiền cho biết.

Lịch ăn cố định trong ngày của bé gồm cháo vào buổi sáng, cơm nát vào buổi trưa và bột vào cuối ngày; ngoài ra, còn có các cữ sữa xen kẽ.

Việc đáp ứng cho khẩu phần ăn của 34 người tại điểm tạm trú không phải dễ dàng, để có chế độ riêng đảm bảo cho công dân đặc biệt này lại càng khiến bộ phận hậu cần thêm vất vả. Sự chăm sóc ân cần đó đã giúp bé Oánh Huyền khỏe mạnh, nhanh chóng thích nghi môi trường mới.

Ngày 28/3, 3 thành viên trong gia đình chị Hoàng Thị Thu Thủy (thường trú tại Thạch Sơn) được đưa đến điểm tạm trú Trường Mầm non Thạch Thắng sau khi trở về từ Prachin Buri (Thái Lan).

Những “công dân đặc biệt” trong khu cách ly ở Hà Tĩnh

Bé Nguyễn Hoàng Dương và mẹ - chị Hoàng Thị Thu Thủy tại điểm tạm trú ở Trường Mầm non Thạch Thắng (Ảnh: NVCC)

Nghe tin vợ chồng chị Thủy và con trai được đưa vào khu tạm trú, hai bên nội ngoại không khỏi lo lắng, nhất là khi bé Hoàng Dương - con trai thứ 2 của chị Thủy mới chỉ hơn 1 tuổi. Thế nhưng, nỗi trăn trở của bố mẹ và gia đình nội ngoại bé Dương đã được xua tan khi thành viên nhí nhận được sự chăm sóc chu đáo, tận tình.

“Ngoài sữa mẹ, mỗi ngày lượng ăn của bé bổ sung thêm 3 cữ cháo. Các chị (nhân viên) đã rất cẩn thận tìm hiểu, hỏi han các loại đồ ăn dặm phù hợp với độ tuổi của bé để lên thực đơn hằng ngày. Không chỉ vậy, mọi người còn sắm thêm cho Dương một số vật dụng cá nhân thiết yếu của em bé. Mẹ con tôi luôn cảm thấy thoải mái như ở nhà mình”, chị Thủy chia sẻ.

“Chúng tôi thực sự cảm ơn và rất xin lỗi vì đã làm nhiều người vất vả” là những tình cảm chân thành mà tôi được nghe rất nhiều từ những công dân đang lưu trú tại các điểm tạm trú tập trung.

Với họ, đây là kỷ niệm đáng nhớ để sau này các con biết rằng, chúng đã từng được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cả cộng đồng.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.