Với tinh thần và nghị lực của người lính Cụ Hồ, các CCB Hương Khê vẫn đang ngày đêm tích cực tham gia sản xuất, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Phan Ngọc Hạnh (SN 1964) ở xã Hương Giang. Năm 1983, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 330 (Quân khu 9) và thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn nhớ như in những lần giáp mặt với quân thù: “Năm 1985, trong một đợt gỡ mìn trên đồi, do địch gài mìn quá dày đặc, không may tôi giẫm lên và mìn phát nổ (loại mìn 652a, chủ yếu gây sát thương chân). May tôi chỉ bị nứt bàn chân, chữa trị 1 tháng lại có thể tiếp tục vào đơn vị. Hôm đó, tôi tháo được hơn 200 kíp mìn.
Lần khác, có trận đánh lớn, trung đội tôi có 8 người bị lạc đơn vị. Đi trong rừng 2, 3 ngày, thiếu thức ăn nên ai nấy đều mệt mỏi, đi lạc vào căn cứ địch. Thấy lính Việt Nam đi vào giữa trại, quân Pôn Pốt khi đó nổi tiếng hung ác nhưng cũng hoảng hốt và tháo chạy, chúng tôi nhanh chóng lấy một ít vũ khí và thức ăn rồi tổ chức rút lui an toàn. Hay có những lần đi bố trí hầm, hào mở màn chiến dịch đánh vào căn cứ địch, gặp mìn, tôi ngất đi không nhớ gì nhiều, khi tỉnh lại chỉ biết nhiều đồng đội đi cùng đã hy sinh...”.
Trang trại chăn nuôi lợn giúp gia đình CCB Phan Ngọc Hạnh thu nhập ổn định không dưới 350 triệu đồng mỗi năm.
Năm 1989, ông Hạnh phục viên, trở về quê hương với nhiều thương tích trên người. Năm 1990, ông lấy vợ, sinh con, khoản lương thương binh hạng 3/4 ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống. “Khi đó, tôi làm đủ nghề như thợ mộc, thợ xây, làm ruộng nhưng vẫn không đủ gạo ăn. Dần dần, khai hoang sản xuất, cuộc sống có khấm khá hơn. Đến năm 2014, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi mạnh dạn đầu tư chuồng trại với diện tích khoảng 700 m2, nuôi 600 con lợn theo hình thức liên kết. Từ đó đến nay, trại lợn giúp gia đình có khoản thu nhập ổn định không dưới 350 triệu đồng mỗi năm” - ông Hạnh nhẩm tính.
Hiện tại, CCB Phan Ngọc Hạnh đang đầu tư hơn 700 triệu đồng, xây dựng thêm hệ thống chuồng trại hiện đại để mở rộng quy mô nuôi lên 1.500 con. Bên cạnh đó, với diện tích đất trang trại gần 4 ha, ông trồng bưởi Phúc Trạch, hiện có 250 cây sắp cho quả.
Cũng từ việc phát huy lợi thế địa phương để xây dựng trang trại, CCB Nguyễn Đăng An (SN 1956, xã Hà Linh) đang sở hữu cơ ngơi hàng tỷ đồng. Ông An nhập ngũ năm 1975, đến năm 1979 thì chuyển sang ngành lâm nghiệp vào làm công nhân Công ty Giống cây trồng Hà Tĩnh, sau đó về công tác ở Lâm trường Truông Bát (Hà Linh).
Đến nay, 7,7 ha đất đồi đã được CCB Nguyễn Đăng An phủ kín cây ăn quả.
Ông An nhớ lại: “Khi đó, Nhà nước có chính sách xóa bao cấp, khuyến khích nhân dân nhận đất, trồng rừng, tôi nhận gần 8 ha đất rừng đồi. Ban ngày, 2 vợ chồng vẫn làm công nhân lâm trường, đêm về cuốc đất, phá đá trồng cây hết sức vất vả”.
Đến năm 1993, trên diện tích đất trang trại, ông An hợp tác với Viện Cây ăn quả Trung ương, sản xuất cây giống cung cấp cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sẵn cây giống, ông trồng hơn 2 ha cam, bưởi, hồng...
“Năm 2007, tôi nghỉ hưu và có thời gian tập trung làm trang trại. Đến nay, 7,7 ha đất đã được phủ kín cây xanh, trong đó có hơn 1 ha cây dó trầm đến tuổi khai thác, 2 ha cam, 0,5 ha bưởi Phúc Trạch, 0,5 ha hồng vuông, 0,5 ha ao hồ nuôi cá; còn lại, phần đất quanh trang trại tôi trồng keo. Lợi nhuận từ trang trại mỗi năm ít nhất đạt trên 500 triệu đồng. Có những năm tôi chăn nuôi thêm lợn rừng, vịt trời... thu nhập lên đến 1 tỷ đồng” - ông kể tiếp.
Phó Chủ tịch Hội CCB Hương Khê Phan Xuân Chiến cho biết: “Đây là 2 trong hàng trăm mô hình kinh tế tiêu biểu ở Hương Khê do các CCB làm chủ. Với tinh thần và nghị lực của người lính Cụ Hồ, các CCB luôn tích cực tham gia sản xuất, không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng nhau vươn lên, góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH tại địa phương”.