Đây là những chi tiết đặc sắc mới được công bố ngày 19/7 tại Triển lãm “Chủ tịch Souphanouvong - Người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam”. Triển lãm nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Kaysone Phomvihane nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Souphanouvong (13/07/1909-13/07/2019).
Chủ tịch Hồ Chí Minh (phải) và Hoàng thân Souphanouvong bàn việc phối hợp kháng chiến giữa Việt Nam và Lào tại Hà Nội ngày 04/09/1945. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Những công trình mang dấu ấn Souphanouvong
Ông Nguyễn Quốc Hữu, Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết, dù tư liệu về Chủ tịch Souphanouvong tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là hết sức phong phú, nhưng để phù hợp với chủ đề của Triển lãm, các cán bộ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đào sâu, khai thác thêm nhiều tư liệu khác, trong đó, đặc biệt chú trọng đến thời gian Chủ tịch Souphanouvong công tác tại Sở Công chính Trung kỳ (Nha Trang – Khánh Hòa).
“Qua nghiên cứu, chúng tôi biết được một số công trình giao thông, thủy lợi mà Chủ tịch Souphanouvong đã thiết kế, phụ trách xây dựng tạo nên dấu ấn hữu nghị rất đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Chúng tôi đã phải trực tiếp liên hệ vào Khánh Hòa, Nghệ An và một số địa danh khác có các công trình của Chủ tịch Souphanouvong để giúp cho câu chuyện về ông tại triển lãm lần này được đầy đủ và sâu sắc”, ông Hữu nói thêm.
Trong quá trình tìm hiểu về các công trình thủy lợi mà Chủ tịch Souhphanouvong thiết kế, ngoài những công trình nổi tiếng như Đập Bái Thượng ở Thanh Hóa, đập thủy lợi ở Đô Lương, Nghệ An, còn có một số cây cầu đặc biệt như cầu qua đập thủy điện Sêrêpốk ở Tây Nguyên hay cầu Ròon bắc qua sông Loan ở Quảng Bình.
Trong đó, cầu Ròon là cây cầu rất hiếm bởi lâu nay, qua tiêu thổ kháng chiến, những cây cầu như thế này đã không còn tồn tại nữa. Rất may mắn, các cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm được một bức ảnh duy nhất về chiếc cầu có nhịp hình bán nguyệt như cầu Tràng Tiền rất đẹp và lập tức đưa vào triển lãm.
“Bản thân bức ảnh này là một bức ảnh mới, đi kèm với một câu chuyện hết sức thú vị mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Souphanouvong với Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 2 nước kề vai sát cánh tham gia kháng chiến”, Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Hữu nói.
Bức ảnh hiếm về cây cầu Ròon bắc qua sông Loan ở Quảng Bình - một trong những công trình mang dấu ấn của Chủ tịch Souphanouvong tại Việt Nam. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Mối lương duyên với tiểu thư người Việt
Một điểm đặc biệt khác trong mối thâm tình của Chủ tịch Souphanouvong với Việt Nam chính là việc ông đã kết hôn với một người phụ nữ người Việt. Năm 1937, sau khi kết thúc quãng thời gian du học ở Pháp, Hoàng thân Souphanouvong bị Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm làm công chức Sở Công chánh An Nam Trung kỳ ở Nha Trang.
Đến Nha Trang, bước chân vào khách sạn Bon Air với ý định xin nghỉ trọ, Hoàng thân Souphanouvong đã gặp một người con gái kiều diễm mặc áo hồng, mà sau này ông mới biết đó chính là tiểu thư Kỳ Nam - ái nữ của ông chủ khách sạn và cũng là hoa khôi xinh đẹp nức tiếng xứ Trung kỳ.
Ảnh bà Kỳ Nam và các con chụp chung với Bác Hồ, năm 1960. Ảnh: Tư liệu |
Dù khi đó không biết Hoàng thân Souphanouvong là ai, tiểu thư Kỳ Nam vẫn rất có cảm tình với ông và Hoàng thân Souphanouvong cũng từng thừa nhận “ta bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của nàng”. Chỉ sáu tháng sau cuộc gặp đầu tiên, cả hai người đã đi đến hôn nhân. Để ghi dấu mối lương duyên đặc biệt này, ông đặt cho bà cái tên mới Viêng Khăm Souphanouvong - nghĩa là bức thành vàng quý giá của dòng họ Soupha.
Có mặt tại buổi Triển lãm ngày 19/7, Tham tán Công sứ Lào tại Việt Nam Viengxay Darasen cho rằng, chính mối lương duyên đặc biệt giữa Hoàng thân Souphanouvong và tiểu thư Kỳ Nam đã góp một phần không nhỏ thôi thúc Chủ tịch Souphanouvong nỗ lực tham gia đặt nền móng và dày công vun đắp quan hệ Việt-Lào./.