Khải Hoàn Môn ngày nay là một trong những công trình nổi tiếng bậc nhất tại Paris, Pháp, bên cạnh đại lộ Champs-Elysées là địa điểm tổ chức các sự kiện lớn của thành phố. Với hơn 1,3 triệu lượt khách mua vé thăm viếng mỗi năm, Khải Hoàn Môn hiện đứng thứ 10 trong Top những công trình hút khách du lịch bậc nhất ở kinh đô ánh sáng Paris.
Mới đây, công trình được coi là "nhân chứng" lịch sử nước Pháp này bỗng trở thành "nạn nhân" sau vụ biểu tình lớn nhất thập niên ở Paris khi tan hoang và chìm trong khói bụi. Theo ghi nhận của tờ Le Fiagaro, bên trong di tích Khải Hoàn Môn bị bôi bẩn và đập phá vì những kẻ chống đối.
Trước khi công trình quốc gia này bị tàn phá, hãy nhìn lại những câu chuyện bất ngờ về biểu tượng huyền thoại này.
Hoàng đế Napoleon là người xây dựng, nhưng không có cơ hội thấy Khải Hoàn Môn
Nằm giữa quảng trường Étoile, vị trí của Khải Hoàn Môn là điểm cuối của đại lộ Champs-Elysées, khu vực tập trung khách du lịch của thành phố.
Công trình vốn được Hoàng đế Napoleon xây dựng vào năm 1806 như một cách vinh danh quân đội Đệ nhất Đế chế Pháp, tôn vinh những người đã hi sinh trong cuộc chiến tranh Napoleon và cuộc cách mạng Pháp. Nhưng không may, vị Hoàng đế này đã qua đời 15 năm trước khi công trình được hoàn tất. Như vậy, ông vĩnh viễn không có cơ hội được ngắm nhìn công trình mang tính lịch sử này.
Có những Khải Hoàn Môn khác trên thế giới
Đây không phải là công trình duy nhất trên thế giới, mà có những Khải Hoàn Môn khác được xây dựng ở nhiều nơi.
Khải Hoàn Môn ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên lớn nhất thế giới
Khải Hoàn Môn lớn nhất thế gới nằm ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Công trình dựng nên vào năm 1982. Nếu so sánh về mặt diện tích, Khải Hoàn Môn ở Paris đứng vị trí thứ 2 trên thế giới.
Ngoài ra, một số nơi còn có những Khải Hoàn Môn cổ nhất thế giới, bao gồm Khải Hoàn Môn Hadrian - Athens, Hy Lạp; Khải Hoàn Môn Marcus Aurelius và Lucius Verus – Tripoli, Libya; hay Khải Hoàn Môn ở Italia.
Khải Hoàn Môn là "nhân chứng", chứng kiến ít nhất 2 vụ ám sát
Công trình lịch sử này được coi là "nhân chứng" chứng kiến ít nhất 2 vụ ám sát.
Cụ thể, vào khoảng thập niên 60, cựu Tổng thống Pháp Charles De Gaulle suýt bị trúng đạn do một kẻ lạ mặt ám sát. Nhưng ông may mắn được giải thoát.
Tiếp đến, vào năm 2002, Jacques Chirac, một cựu Tổng thống khác cũng may mắn chỉ bị súng trượt qua người ngay tại công trình này, khi ông đang theo dõi quân đội trên xe Jeep mui trần. Ngay sau đó, cảnh sát nhanh chóng hạ gục kẻ tình nghi.
Lau dọn không hề dễ dàng
Công việc lau dọn, bảo trì Khải Hoàn Môn không hề dễ dàng. Năm 2011, công trình được lau dọn lần đầu tiên sau 50 năm và chưa ai biết lần kế tiếp sẽ là bao giờ.