Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh. Trong những năm chiến tranh, đây được xem là một trong những điểm giao thông trọng yếu cần được thông suốt để chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết” hay còn gọi là “tọa độ lửa”. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại, mặt đất biến dạng, đất đá cày đi xới lại. Mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 tấn bom.
Đã có hơn 16.000 người thuộc các lực lượng kiên cường bám trụ, chiến đấu, làm nhiệm vụ thông suốt giao thông, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam…; trong đó có 10 cô gái tuổi đời còn rất trẻ thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 - Hà Tĩnh hy sinh khi đang phá lấp hố bom, mở đường giữ huyết mạch tiền tuyến.
54 năm qua, những kỷ vật của các chị đang được lưu giữ tại Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc. Mỗi hiện vật là một câu chuyện xúc động về những năm tháng chiến đấu, hy sinh kiên cường của các nữ thanh niên xung phong và những người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… (Trong ảnh: Bức thư gửi mẹ trước 5 ngày hy sinh của liệt sỹ TNXP Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng).
"Ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này..." - Trích đoạn bức thư được khắc lên phiến đá trước bảo tàng hiện vật chiến tranh.
Ngoài bức thư gửi mẹ, Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần còn để lại kỷ vật chiếc lược cùng lọn tóc thề - minh chứng cho câu chuyện tình sắt son của chị với một chàng trai cùng quê. Trước khi anh lên đường nhập ngũ, họ hẹn thề ngày thống nhất nên duyên vợ chồng. Lúc anh trở về thì hay tin người yêu đã hy sinh. Lọn tóc thề và chiếc lược là 2 kỷ vật của họ được chàng trai cất giữ suốt nhiều năm trước khi trao lại cho bảo tàng.
3 chiếc áo sờn cũ, lấm lem của chị Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường được tìm thấy ngay tại hố bom nơi các chị đã anh dũng hy sinh.
Sổ hát, học bạ và chiếc valy là những kỷ vật còn sót lại của các chị Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Xuân.
Những bức ảnh, bài báo tái hiện những ngày theo dõi máy bay, phá bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến trên cung đường huyết mạch năm xưa.
Ngoài các kỷ vật của 10 nữ TNXP anh hùng, Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc còn là nơi lưu giữ những hình ảnh về sinh hoạt đời thường, những thời khắc san đường bạt núi...
Không gian mô phỏng cảnh sinh hoạt của thanh niên xung phong và bộ đội tại Ngã ba Đồng Lộc
Những viên đạn cối được lưu giữ tại bảo tàng
Các vật dụng như bi đông, ca uống nước, âu đựng cơm... được Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc bảo quản, chú thích rõ ràng cho du khách thuận tiện tham quan
Theo Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, bảo tàng đang lưu giữ hơn 1.000 hiện vật của TNXP tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Câu chuyện về “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc cùng những trận đánh ác liệt được tái hiện sống động bằng sa bàn tại bảo tàng. Đây cũng là một trong những không gian được nhiều du khách chú ý theo dõi.
Tại đây còn trưng bày pháo, xe và máy bay - những hiện vật về những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Những ngày tháng 7 này, hàng vạn du khách thập phương từ khắp nơi trong cả nước đang thành tâm hướng về nơi 10 liệt nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống cho nền độc lập của đất nước, cho cuộc sống hòa bình, tươi đẹp hôm nay.